Từ vụ "chàng trai Bắc Ninh", chuyên gia điểm hệ lụy của nghèo sang chảnh

Trúc Ly

(Dân trí) - "Chàng trai Bắc Ninh" là từ khóa đang lan tỏa trên cộng đồng mạng. Chuyên gia tài chính cá nhân chia sẻ góc nhìn về câu chuyện chi tiêu, tài chính của một bộ phận giới trẻ hiện nay, kèm cảnh báo.

Một nam TikToker tên Đ. là cái tên đang được chú ý trên nhiều mạng xã hội. Những cụm từ liên quan "chàng trai Bắc Ninh" được săn tìm trên các nền tảng. Lý do được đưa ra là thanh niên tên Đ. bị tố là người lừa gạt các cô gái, thường xuyên khoe mẽ bản thân có cuộc sống trong mơ như đi xe sang, dùng đồ hiệu nhưng thực chất tất cả đều là đồ đi thuê.

Tối 11/10, trên trang cá nhân, Đ. lên tiếng giải thích về lùm xùm. Anh cho biết bản thân không sai, anh tiêu những đồng tiền tự kiếm bằng việc kinh doanh trong 5 năm qua. 

"Mình ở độ tuổi chưa có người yêu, đi date (hẹn hò) là điều bình thường. Không có gì sai cả", Đ. nói trên video chia sẻ. Ngoài ra, anh khẳng định những tin nhắn tố cáo đang được chia sẻ rộng rãi là tin nhắn được dựng lên, không đúng sự thật. 

Bên cạnh những người cho rằng Đ. sống ảo, đáng trách, không ít ý kiến lại cho rằng những người tin lời Đ., sẵn sàng hẹn hò chỉ sau vài tin nhắn qua lại là ham vật chất. Lối sống này được cho là sai lệch của một bộ phận giới trẻ ngày nay.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chuyên gia tài chính cá nhân Nguyễn Tài Tuệ cho biết: "Nếu bạn ấy thuê xe, thuê nhà bằng tiền của bạn thì về lý lẽ, điều đó không có gì sai. Tuy nhiên, nếu bạn dùng những món đồ đó gây hậu quả và bị người đó tố cáo, thì đó mới là sai".

Chuyên gia đưa ra quan điểm trường hợp của Đ. không hiếm gặp, đặc biệt trong bộ phận giới trẻ ngày nay.

Từ vụ chàng trai Bắc Ninh, chuyên gia điểm hệ lụy của nghèo sang chảnh - 1

Việc chi tiêu quá đà, theo chuyên gia tài chính cá nhân, có hại nhiều hơn có lợi (Ảnh minh họa: Pinterest).

Theo chuyên gia này, không ít bạn trẻ bây giờ có thói quen "nghèo sang chảnh", sống hưởng thụ theo phong cách tiêu trước, kiếm sau. Việc trả góp ngày càng trở nên dễ dàng, khiến giới trẻ cho phép bản thân mua những món đồ vượt quá khả năng như điện thoại đời mới, xe máy mới dù thu nhập chỉ vài triệu đồng mỗi tháng.

Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng việc chi tiêu quá đà không phải thời nay mới có. Việc đó đã tồn tại từ xưa đến nay khiến các cụ có câu "bóc ngắn cắn dài", "vung tay quá trán". Tuy nhiên, ngày nay, mạng xã hội phát triển, câu chuyện này mới dễ dàng chia sẻ và lan rộng đến vậy.

Dù thế, việc chi tiêu quá ngân sách có hại nhiều hơn có lợi.

Đầu tiên, những người có thói quen chi tiêu hầu như không có cơ hội tích lũy tài sản để xây dựng sự giàu có.

Thứ hai, những người này sẽ đưa bản thân và có thể là cả gia đình vào tình trạng rủi ro về tài chính. Hầu hết những người có thói quen chi tiêu vượt quá những gì mình có thường có một niềm tin ngây thơ rằng mình có thể kiếm tiền để trả nợ.

Tuy nhiên cuộc sống chứa đựng những rủi ro. Cụ thể, một người có thể đi làm tạo ra thu nhập hay không còn phụ thuộc vào sức khỏe, thời gian và nhiều yếu tố khách quan như nền kinh tế, thiên tai, dịch bệnh... 

"Chẳng may rủi ro về thu nhập hoặc rủi ro về sức khỏe sẽ ảnh hưởng lớn đến ngân sách hiện tại, tương lai", chuyên gia nói.

Việc nhiều bạn trẻ dễ dàng hẹn hò, tin những bài khoe mẽ của các đối tượng trên mạng xã hội được coi là vấn nạn sống dễ dãi của một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là giới trẻ nữ. 

"Có những khi họ lại mang chính "thành tích" của mình đi để khoe khoang trong hội nhóm rằng mình quen được nhiều anh chàng, cô nàng giàu có. Hay dạo gần đây có câu nói vui "không biết ai là gà, ai là thóc"", chuyên gia bày tỏ.

Việc này cần sự chung tay giáo dục của cả xã hội, nhà trường và gia đình bởi nó có ảnh hưởng không nhỏ đến cả một thế hệ. Khi ai đó có ý định muốn làm quen, hẹn hò với những người có thu nhập tốt sẽ khiến bản thân người đó có tư tưởng sống như cây tầm gửi, phụ thuộc vào người khác và luôn muốn hưởng thụ mà không cố gắng lao động bằng chính sức mình.