Cách tiêu tiền khiến bạn có nguy cơ nghèo cả đời, làm sao để tránh?
(Dân trí) - Chuyên gia khẳng định những người chi tiêu quá ngân sách không có cơ hội tích lũy tài sản để xây dựng sự giàu có và khiến bản thân, gia đình đối diện với nguy cơ rủi ro tài chính cao.
"Vung tay quá trán" là thành ngữ chỉ những người hoang phí, hành động quá mức, quá đà, chủ yếu nhắm vào việc chi tiêu. Chi tiêu vượt quá ngân sách là sai lầm kinh điển, khiến nhiều người "nghèo bền vững".
Thạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, chuyên gia tài chính cá nhân, khẳng định quản lý tài chính cá nhân là một trong những kỹ năng cần học và luyện tập để tạo dựng sự giàu có.
Chi tiêu trước khi kiếm được tiền = "nghèo sang chảnh"
Chuyên gia cho rằng ngày nay, nền kinh tế phát triển, cơ hội kiếm tiền thuận lợi, các gói vay tiêu dùng, thẻ tín dụng nở rộ khiến nhiều người ưu tiên trải nghiệm sống, đi du lịch, mua sắm nhà cửa, thiết bị thông minh với tâm thế bằng bạn, bằng bè. Việc chi tiêu trước khi kiếm được tiền là biểu hiện của "người nghèo sang chảnh".
Chi tiêu vượt quá ngân sách bắt nguồn từ tính cách mỗi người, hình thành từ cách giáo dục của gia đình, nhận thức của bản thân, thói quen liên quan đến tiền bạc.
Bên cạnh đó, nhiều người quan điểm rằng chi tiêu trước sẽ có động lực để kiếm tiền. Điều này có lý. Nhiều người sẽ cố gắng làm việc hơn khi đối mặt với một khoản nợ.
Tác hại của việc chi tiêu quá ngân sách
Tuy vậy, dường như việc chi tiêu quá ngân sách có hại nhiều hơn có lợi.
Đầu tiên, những người có thói quen chi tiêu hầu như không có cơ hội tích lũy tài sản để xây dựng sự giàu có.
Thứ hai, những người này sẽ đưa bản thân và gia đình vào tình trạng rủi ro về tài chính. Hầu hết những người có thói quen chi tiêu vượt quá những gì mình có thường có một niềm tin ngây thơ rằng mình có thể kiếm tiền để trả nợ.
Tuy nhiên cuộc sống chứa đựng những rủi ro. Cụ thể, một người có thể đi làm tạo ra thu nhập hay không còn phụ thuộc vào sức khỏe, thời gian và nhiều yếu tố khách quan như nền kinh tế, thiên tai, dịch bệnh...
"Chẳng may rủi ro về thu nhập hoặc rủi ro về sức khỏe sẽ ảnh hưởng lớn đến ngân sách hiện tại, tương lai", chuyên gia nói.
Những cách để hạn chế chi tiêu vượt quá số tiền đang có
Thạc sĩ Tài Tuệ đưa ra những gợi ý để mỗi người hạn chế chi tiêu vượt quá ngân sách.
Đầu tiên, chúng ta cần có nhận thực rõ ràng về tiền bạc và tài chính cá nhân. Hãy hiểu rõ kết quả của việc biết tiết kiệm trước, chi tiêu sau, lường trước những hậu quả bản thân và gia đình sẽ phải đối mặt trong trường hợp rủi ro về tài chính.
Tiếp theo, hãy tuân thủ một số nguyên tắc trong hoạch định tương lai tài chính, điển hình là lập ngân sách chi tiêu. Chuyên gia đưa gợi ý về việc áp dụng phương pháp quản lý chi tiêu của người Nhật Bản là Kakeiboo.
Phương pháp này phân loại thu nhập vào các khoản riêng biệt gồm "chi tiêu cho con cái", "chi tiêu cho nhà cửa", "chi tiêu cho đi lại", "chi tiêu cho sức khỏe"... và chỉ chi tiêu trong các khoản đã dự trù.
Bên cạnh đó, một vài phương pháp được coi là hữu ích trong việc quản lý chi tiêu gồm:
Phương pháp 1: Phân chia tiền theo quy tắc 6 quỹ
- Quỹ học tập phát triển bản thân: 10%
- Quỹ tự do tài chính: 10%
- Quỹ tiết kiệm dài hạn: 10%
- Quỹ tiêu dùng thường xuyên: 55%
- Quỹ tự thưởng cho bản thân: 10%
- Quỹ cho đi: 5%
Phương pháp 2: Hãy thực hiện các bước sau đây sau khi có thu nhập
- Bước 1: Tính toán số tiền cần thiết để đảm bảo gia đình chi tiêu ở mức tối thiểu
- Bước 2: Dành toàn bộ số tiền còn lại cho việc trả nợ
Cuối cùng, chuyên gia đưa ra lời khuyên dành cho những người trẻ trong việc quản lý chi tiêu. Theo ông, kiềm chế mua sắm là một việc không dễ, đặc biệt đối với người trẻ nhưng mọi người cần hiểu rõ rằng tiết kiệm là việc cần thiết. Nếu biết tiết kiệm khi còn trẻ và dùng số tiền này để đầu tư, trong tương lai, bạn sẽ nhận được lãi kép.
Để hạn chế mua sắm, trước khi quyết định mua thứ gì đó, bạn hãy trả lời các câu hỏi sau đây:
- Bạn có thực sự cần nó không? Nếu không, hãy đi làm việc khác để quên đi cảm giác muốn có sản phẩm đó.
- Nếu có, hãy hỏi lại bản thân xem có thực sự cần hay không?
- Nếu không thực sự cần thì thôi, còn nếu thực sự cần thì thử hỏi xem có mượn hoặc thuê được không?
- Nếu thuê hoặc mượn được thì đừng mua, còn nếu không thuê hoặc mượn được thì hỏi bản thân rằng đợi một thời gian sau mới mua có được không?
- Nếu đợi được, có thể vài hôm nữa bạn sẽ thấy không cần thiết nữa. Còn nếu không thể đợi được, lúc đó mới quyết định mua.