1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tù mù đứng giữa chợ vàng

Nhiều năm qua thị trường vàng luôn được đánh giá là “điên loạn”. Nếu thế thì cơn sốt vàng vừa qua có thể gọi là “rồ dại” vì trong một ngày, giá vàng bị điều chỉnh tới 42 lần!

Ai cũng biết thị trường vàng “bị làm giá” nhưng điểm mặt, chỉ tên giới “làm giá” xem ra là điều bất khả thi. Lỗi tại giới đầu cơ hay chính sách quản lý? 
 

Doanh nghiệp không bao giờ lỗ

 

Điều đáng nói ở đây là khi nhìn lại sau các đợt triều cường của giá vàng vừa qua, có thể nhận định chiến thắng đã hoàn toàn thuộc về giới kinh doanh.
 
Tù mù đứng giữa chợ vàng - 1
Thị trường vàng Việt Nam đang bị "thả nổi"

 

Với cách mua bán liền tay, đón đầu thị trường, mở rộng và thu hẹp biên độ áp giá mua vào - bán ra một cách linh hoạt, thì sau cơn bão, giới kinh doanh vàng vẫn bình chân như vại và tiếp tục thong dong trên biển lớn với lợi nhuận khá lớn.

 

Không ít nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ vì chạy theo tâm lý đám đông đã lướt sóng thất bại và trở thành “con rối” của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng.

 

Cụ thể, thay vì bán ra ồ ạt khi giá lên đỉnh điểm, thì ngày 9/8 vừa qua có rất nhiều nhà đầu tư tại Hà Nội và TP.HCM lại ồ ạt mua. Chính nhu cầu bất thường liên tục tăng cao vượt nguồn cung tạo điều kiện cho các cửa hàng kim hoàn thay nhau đẩy giá lên cao.

 

Khi thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tái cấp hạn ngạch nhập vàng, giá vàng trở lại thì DN tiếp tục tận dụng cơ hội để ép giá, nhiều tiệm vàng mua vào hàng ngàn lượng vàng với giá rất thấp khiến có một số nhà đầu tư phải chịu lỗ 4,8 triệu đồng/lượng chỉ sau một đêm.

 

Giới này lý giải rằng để tránh rủi ro, trở tay không kịp vì giá vàng thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, nhiều DN vàng vẫn còn nới rộng biên độ giá mua và giá bán chênh lệnh đến 500.000 đồng đến 600.000 đồng/lượng.

 

Cụ thể lúc 12g30 ngày 11/8 giá vàng SJC được niêm yết phổ biến ở mức là 44,9 triệu đồng/lượng (mua vào) và 45,3 triệu đồng/lượng (bán ra). Có thể thấy chênh lệch mua bán được kéo rộng như hiện nay, nhiều DN vàng giao dịch mỗi ngày hàng ngàn lượng vàng thu lợi không ít.

 

Chuyện đầu cơ vàng đã rõ và cũng không còn mới trên thị trường vàng. Tuy nhiên, trong cơn sốt vàng vừa qua, một nhân tố mới được xác định là lượng vàng gom đi xuất khẩu nhưng bị ngăn lại vì chính sách thuế mới. Giới đầu cơ vàng xuất khẩu quay lại làm giá để xả hàng và đẩy cơn sốt vàng bùng nổ ở thị trường trong nước.

 

Thừa nhận với phóng viên, giám đốc một trong những DN vàng lớn nhất hiện nay nói đã kinh doanh vàng thì không bao giờ bị lỗ. Thậm chí, có nguồn tin cho biết một số DN có lợi nhuận thu được lên đến hàng trăm tỷ đồng trong các giao dịch mua - bán liền tay vừa qua. Cũng theo vị này, DN vàng nào có năng lực càng lớn thì càng lời nhiều.

 

Điều đó giải thích vì sao các đơn vị được nhập vàng vào ngày 9/8 là Công ty SJC (Sài Gòn), PNJ, DOJI, Tổng công ty Vàng Agribank, 6 ngân hàng (NH) khác với tổng số là 5 tấn vàng, thời hạn ngạch cấp đợt này kéo dài tới 31/8.

 

Tuy nhiên, dù đã được cấp quota, nhưng các DN vẫn khá thận trọng trong việc nhập vàng. Nguyên nhân là giá vàng trượt dốc về sát với giá vàng thế giới và vẫn đang tiếp tục giảm, nên nếu nhập vàng về có thể khiến DN mất lãi.

 

Bình ổn cách nào?

 

DN và các cơ quan quản lý đều đưa ra khuyến cáo là vàng đã bị làm giá và cần thận trọng nếu không sẽ bị thiệt hại khi giá giảm nhanh. Tuy nhiên, tất cả đều không chỉ ra được ai là người làm giá.

 

Thực tế ai cũng biết là chỉ có các DN lớn, có sức mạnh tài chính, có khả năng chi phối thị trường vàng mới có thể làm giá. Và hàng tấn vàng mua đi, bán lại chứ không phải con kiến mà các cơ quan chức năng không xác định được DN nào đang chi phối thị trường. Rõ ràng, còn kẽ hở trong quản lý thì DN còn có cơ hội lũng đoạn thị trường.

 

Ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm vàng NH ACB, nói rằng, việc giá vàng trong nước liên tục biến động phần lớn là do cung vàng thiếu khi thị trường trong nước không liên thông với thị trường thế giới và do hiệu ứng tâm lý đám đông. Hiện tượng này đã xảy ra nhiều lần, từ tháng 6/2008, khi NHNN không cấp hạn ngạch cho DN một cách bình thường như trước.

 

Theo ông Khanh, để bình ổn thị trường, có hai cách cần phải thực hiện ngay. Một là NHNN bán vàng dự trữ ra để tăng cung, kéo giá giảm xuống, sau đó mua vàng từ thị trường thế giới, hiện đang thấp hơn 1,5 triệu đồng/lượng, để bù vào dự trữ.

Hai là NHNN có thể cấp hạn ngạch nhập vàng để tăng lượng vàng trong nước, như vậy, giải quyết vấn đề bình ổn này hoàn toàn là theo quy luật thị trường.

 

Đây là hai cách chữa cháy trong ngắn hạn tốt nhất. Bởi vì, nếu Nhà nước không can thiệp vào lúc này, thì đến một lúc nào đó thị trường cũng sẽ tự động giải quyết sự méo mó của nó, nhưng thời gian giải quyết sẽ lâu hơn.

 

Như vậy nhiều người mua vàng thời điểm này đang mua với giá quá cao, gây nên sự bất hợp lý. Nếu không có biện pháp điều hành lúc này thì người mua sẽ chịu thiệt thòi.

Một điểm bất hợp lý nữa trong việc quản lý vàng thời gian qua đó là việc xuất nhập vàng phải chờ hạn ngạch do NHNN cấp. Đây là một hàng rào kỹ thuật khó gỡ, đang tạm ngăn các luồng dịch chuyển của vàng.

 

Để liên thông với thị trường thế giới, theo ông Khanh, nhà nước cũng cần phải xem xét tháo gỡ vấn đề này. Nếu lấy Thái Lan làm ví dụ thì người ta sẽ thấy rằng nước này không hề có rào cản về hạn ngạch nên khi có chênh lệch thì sẽ có động thái xuất nhập ngay, và không có sự chênh lệch cao như ở Việt Nam.

 

Cũng bàn về vấn đề này, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, trong thời gian tới, việc điều hành của NHNN cần đảm bảo mục tiêu giá vàng trong nước tương thích với thế giới, nếu không sẽ tác động tới tỷ giá.

 

NHNN cũng nên chủ động cấp quota hàng năm để DN có thể chủ động cân đối xuất nhập vàng, đồng thời mạnh dạn cho phép NH được mở một tài khoản giao dịch vàng quốc tế để nhanh chóng cân bằng trạng thái với việc mua bán vàng trong nước. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần sớm ban hành nghị định quản lý vàng đã bị lỗi hẹn từ tháng 6 đến nay.

 
Theo Lê Na

Doanh nhân Sài Gòn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm