Từ đâu có đề xuất giá điện cao nhất hơn 3.600 đồng/kWh?

Văn Hưng

(Dân trí) - Bộ Công Thương tiếp thu nhiều ý kiến cho rằng cần xem lại cách tính giá điện, rút gọn số bậc để dễ quản lý; tăng mức điện bậc 1 lên 100 kWh để phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao.

Trong văn bản gửi Bộ Tư pháp về việc thẩm định dự thảo quyết định của Thủ tướng về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới, Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc và có thay đổi về cơ cấu tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân.

Cụ thể, bậc 1 cho 100kWh đầu tiên, giá điện là 1.806,11 đồng/kWh; bậc 2 cho kWh 101-200, giá điện là 2.167,33 đồng/kWh; bậc 3 cho kWh 201-400 có giá là 2.729,23 đồng/kWh; bậc 4 cho kWh 401-700 có giá 3.250,99 đồng/kWh; bậc 5 cho kWh từ 701 trở lên, giá điện là 3.612,22 đồng/kWh.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, việc kết hợp đồng bộ cơ chế điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và các cơ chế kiểm tra, giám sát đã tạo ra một cơ chế quản lý, điều hành giá bán điện ngày càng minh bạch và rõ ràng.

Tuy nhiên, đến nay, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại Quyết định 28/2014 cần được xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, tình hình mới phát sinh.

Từ đâu có đề xuất giá điện cao nhất hơn 3.600 đồng/kWh? - 1

Phương án 5 bậc theo đề xuất của Bộ Công Thương so sánh với biểu giá bán lẻ hiện hành (Nguồn: Bộ Công Thương).

Lý do thứ nhất là việc sửa đổi, bổ sung quy định tại Quyết định 28 là cần thiết để bổ sung quy định điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch.

Thứ hai, hiện nay, giá bán điện cho nhóm ngành sản xuất vẫn ở mức thấp hơn so với giá bán lẻ điện bình quân, trong khi sản lượng điện thương phẩm của nhóm khách hàng này chiếm tỷ trọng ngày càng cao.

Giá bán điện bình quân cho sản xuất so với giá bán lẻ điện bình quân năm 2015 là 91,49%; năm 2016 là 91,09%; năm 2017 là 91,26%; năm 2018 là 90,6%; năm 2019 là 89,9%; năm 2020 là 90,4%; năm 2021 là 90,7%.

Đồng thời, khi thực hiện điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất, cần phải điều chỉnh giá bán điện của các nhóm khách hàng khác để có thể cân đối được trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, đảm bảo giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo thẩm quyền.

Thứ ba, hoạt động sạc xe điện là mục đích sử dụng điện mới cần được bổ sung tại cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Thứ tư, về cấu trúc biểu giá, để đơn giản trong việc áp dụng, phù hợp với thực tế lưới điện hiện hành tại các tổng công ty điện lực trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cần thiết gộp giá điện theo các cấp điện áp gồm cao áp (trên 35 kV); trung áp (trên 1kV đến dưới 35kV) và hạ áp (đến 1kV).

Thứ năm, về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét lại cách tính giá điện bậc thang đang áp dụng để phù hợp với thực tế sử dụng điện, nghiên cứu cải tiến rút gọn số bậc thang tính tiền điện để người tiêu dùng dễ quản lý được việc chi trả hóa đơn tiền điện; tăng mức điện tính theo tháng, giá bậc 1 lên 100kWh để phù hợp với nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của người dân.

Với các lý do nêu trên, Bộ Công Thương cho rằng việc nghiên cứu xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện (thay thế Quyết định 28) là cần thiết.