EVN dựa vào đâu để tăng giá điện một năm 2 lần?

Văn Hưng

(Dân trí) - Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định việc tăng giá điện dựa trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn cụ thể.

EVN vừa có quyết định về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,5% từ ngày 9/11. Theo đó, giá điện tăng từ mức 1.920,3 đồng/kWh lên mức mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt cũng được điều chỉnh tăng ngay sau đó.

Về cơ sở tăng giá điện lần thứ hai trong năm, tại buổi họp báo trao đổi thông tin, ông Nguyễn Đình Phước, Kế toán trưởng EVN, khẳng định việc điều chỉnh dựa trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn cụ thể.

Đối với cơ sở chính trị, ông Phước cho biết dựa trên Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có yêu cầu "áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng" và "xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định".

Đối với cơ sở pháp lý, Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân quy định: "Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất" và "Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành".

EVN dựa vào đâu để tăng giá điện một năm 2 lần? - 1

Giá điện sinh hoạt tăng ngay sau khi thay đổi giá bán lẻ điện bình quân (Ảnh: VH).

Giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh lần gần nhất vào ngày 4/5, đến nay đã đủ 6 tháng.

Còn đối với cơ sở thực tiễn, đại diện EVN cho biết năm 2023, cơ cấu nguồn thủy điện giảm mạnh so với năm 2022 (dự kiến giảm 16,9 tỷ kWh, được thay thế bằng các nguồn nhiệt điện than, khí, dầu) do hiện tượng El Nino gây nắng nóng kéo dài.

Trong khi đó, giá các nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy điện tăng và duy trì ở mức cao: than nhập khẩu tăng 186% so với 2020; than trong nước tăng 30-46% so với giá năm 2021; giá dầu tăng 18% so với 2021; tỷ giá ngoại tệ tăng gần 4%...

Theo ông Phước, những yếu tố trên ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí mua điện và giá thành sản xuất điện của EVN. Việc điều chỉnh tăng 4,5% lần này giúp cơ quan điện lực tăng doanh thu thêm 3.200 tỷ đồng, giảm bớt phần nào khó khăn.

Về biểu giá điện sinh hoạt mới, bậc 1 cho kWh 0-50 là 1.806 đồng/kWh (biểu giá cũ là 1.728 đồng/kWh). Bậc 2 cho kWh 51-100 là 1.866 đồng/kWh (biểu giá cũ là 1.786 đồng/kWh). Bậc 3 cho kWh 101-200 là 2.167 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.074 đồng/kWh). Bậc 4 cho kWh 201-300 là 2.729 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.612 đồng/kWh). Bậc 5 cho kWh 301-400 đồng/kWh là 3.050 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.919 đồng/kWh). Bậc 6 cho kWh 401 trở lên là 3.151 đồng/kWh (biểu giá cũ là 3.015 đồng/kWh).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm