TS.Nguyễn Đức Kiên: Xử lý nợ xấu, ngân hàng hãy bán tài sản đi!
(Dân trí) - "Nếu có nợ xấu, việc cần làm trước tiên là ông chủ ngân hàng cần phải bán tài sản của mình đi để giữ ổn định cho ngân hàng, chứ không phải làm ngân hàng, khi tạo ra lợi nhuận thì chia nhau hết, đến khi khó khăn kêu VAMC”.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội về nợ xấu và các nút thắt của kinh tế hiện nay.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Ông có bình luận gì về nợ xấu và hướng xử lý nợ xấu hiện nay?
Nếu có nợ xấu, việc cần làm trước tiên là ông chủ ngân hàng cần phải bán tài sản của mình đi để giữ ổn định cho ngân hàng, chứ không phải ông làm ngân hàng, khi tạo ra lợi nhuận thì chia nhau hết, đến khi khó khăn thì kêu VAMC anh phải giải ngân cho em.
Tiền VAMC mua nợ xấu là tiền thuế của người dân, nên không thể chi một cách vô lý.
Tôi không bao giờ bỏ phiếu cho kiểu chi như thế. Trong trường hợp đấy, chúng ta cần phải hỏi mấy ông chủ ngân hàng là anh đã bán xe chưa? Anh có đi xe máy để đi làm không? Đầu tiên, anh phải bán tài sản của anh để xử lý nợ xấu của anh đã đi…
Còn việc sử dụng VAMC là để đẩy bớt một phần nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản của các ngân hàng, để khoản nợ xấu ấy không treo trong ngân hàng nữa. Và ngân hàng được hạch toán và trừ đi phụ phí 25%/năm trên tổng số nợ xấu đã bán cho VAMC.
Như vậy, VAMC chính là một hình thức giúp các ngân hàng khoanh khoản nợ xấu đó. Và sau khi đã làm sạch được bảng cân đối tài sản rồi thì sẽ đẩy mạnh cho vay ra nền kinh tế.
Có một thực tế là nợ xấu vẫn đang tăng lên trong khi nợ xấu cũ vẫn chưa được xử lý. Với thực tế này, liệu đến cuối năm có thể đưa được nợ xấu xuống 3%?
Phải nói rằng, một nền kinh tế hoạt động là phải có nợ xấu, chỉ trong nền kinh tế kế hoạch hóa thì mới không có nợ xấu. Vấn đề là làm thế nào để tăng cường biện pháp tự quản trị của doanh nghiệp, khi phát sinh nợ xấu thì dự phòng rủi ro phải có để xử lý được.
Trong trường hợp ngân hàng không xử lý được thì nhà nước sẽ can thiệp bằng biện pháp của cơ quan quản lý. Ở đây, tôi muốn nói đến việc quy trách nhiệm cho những cá nhân gây khó khăn cho nền kinh tế và họ phải chịu trách nhiệm.
Nhiều ý kiến cho rằng nợ xấu phát sinh là do lợi ích nhóm. Tuy nhiên, vấn để xử lý lợi ích nhóm trong thời gian qua dường như không có nhiều tiến triển?
Chúng ta phải chấp nhận có lợi ích nhóm, phải có lợi ích nhóm thì người ta mới lập ngân hàng cổ phần để kinh doanh. Chúng ta không thể nói rằng phải lập ngân hàng cổ phần theo mục tiêu chủ nghĩa xã hội được. Có điều lợi ích này phải hài hòa giữa lợi ích của người bỏ tiền đầu tư, người gửi tiền và toàn xã hội.
Chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường, thì phải có tiêu chuẩn trước, rồi nhiệm vụ xã hội mới đi sau, nhiệm vụ này Nhà nước làm. Chúng ta phải phân biệt rõ ràng rằng, trong quá trình chuyển đổi của nền kinh tế phải có những thứ khác với tư duy của mình trong thời kỳ kế hoạch hóa.
Hiện nay, chúng ta có vấn đề là nhìn vào ngân hàng cổ phần với cái nhìn giống như một ngân hàng quốc doanh là chưa chuẩn.
Thời gian qua dư luận rất quan tâm đến vụ kiện của bầu Kiên. Vấn đề dư luận quan tâm là làm thế nào để quản lý được lợi ích nhóm, không xảy ra trường hợp lũng đoạn thị trường như thời gian qua?
Bắt đi tù. Trường hợp bầu Kiên là một điển hình. Nếu nói quản lý chưa được tốt thì không thể bắt được bầu Kiên. Tuy nhiên, chúng ta sống trong xã hội pháp quyền nên muốn bắt và xử ai đó thì phải có chứng cứ. Dù trong lòng ta có không bằng lòng khi thấy người ta giàu lên nhanh quá, nhưng chúng ta không có chứng cứ người ta phạm pháp, thì không thể bắt, ngay cả khi nói về họ cũng phải cân nhắc.
Nói như thế để hiểu một điều, trong một xã hội, chúng ta phải nhìn nhau bằng con mắt thân thiện, tức là nhìn người đối diện là một công dân tốt. Sau đó, qua quá trình hoạt động của người ta, thấy nó có tác động đến nền kinh tế thì chúng ta có biện pháp xử lý.
Hiện chúng ta đã có những biện pháp phòng ngừa, răn đe. Có điều những biện pháp phòng ngừa ấy của chúng ta vẫn chưa lường hết được những tình huống sẽ xảy ra trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường.
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang diễn ra quá thận trọng, do nền kinh tế đang phụ thuộc vào vốn ngân hàng, trong khi thị trường vốn vẫn chưa thực sự phát triển. Đây có phải là nguyên nhân khiến chúng ta chưa dám mạnh dạn cho ngân hàng phá sản?
Mong muốn là một chuyện. Thực tế của thị trường lại là một chuyện. Chúng ta thực hiện mọi nhiệm vụ của mình, nhưng với giá chi phí hợp lý, chứ không có chuyện giá chi phí bằng không. Có nghĩa là sẽ phải có đổ vỡ, sẽ phải có tổn thất nhưng mà tổn thất không tạo thành lũ ống, lũ quét để hình thành vùng ngập lụt.
Trong phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội, có khá nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ nên nới lạm phát một chút để hỗ trợ tăng trưởng. Ông có đồng tình với ý kiến này?
Thực ra, về mặt lý thuyết trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô bao giờ cũng mong muốn lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế thì mới tạo được sự tăng trưởng thực sự. Chúng ta là một nước đang phát triển và đến bây giờ, nền kinh tế vẫn chủ yếu phải “sống” bằng đầu tư. Khi mà tăng trưởng dựa trên đầu tư thì phải đẩy giá lên và dẫn tới tăng lạm phát.
Tuy nhiên, theo tôi ở thời điểm này cũng nên quan tâm tới sự hài hòa giữa tăng trưởng và lạm phát. Ví dụ, như năm 2012, lạm phát là 6,04% nhưng nếu trừ đi giá từ điều chỉnh giá dịch vụ, y tế, giáo dục khoảng 3% thì lạm phát thực chỉ còn hơn 3%.
Phân tích như vậy để thấy rằng, nếu lạm phát ở mức thấp mà kéo dài như vậy, thì động lực cho nền kinh tế, hay nói cách khác nền kinh tế “du di” về tăng trưởng sẽ khó hơn. Vì vậy, chúng ta cần chọn thời điểm nào đó để cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát đảm bảo đời sống xã hội.
Thời gian vừa qua, về mặt quản lý nhà nước, chúng ta đã làm rất nhiều việc, ví như Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp. Theo tôi, chúng ta đã làm khá tốt ở mặt quản lý nhà nước.