TS. Võ Trí Thành: Việt Nam học rất giỏi nhưng làm rất... kém!

(Dân trí) - Theo TS. Võ Trí Thành, trong bối cảnh hiện nay, AEC và doanh nghiệp cần có 4 cái “đủ” là: Đủ lớn và hấp dẫn, đủ thuận lợi, đủ sáng tạo và đủ hỗ trợ chính trị. Tuy nhiên, phân tích yếu tố “đủ sáng tạo”, vị chuyên gia kinh tế này dè dặt bởi “Việt Nam học rất giỏi nhưng làm rất kém”.

Sáng nay (19/7), tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức tọa đàm “50 năm ASEAN: Cộng đồng kinh tế ASEAN và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam”. Tại đây, các diễn giả phân tích chi tiết cách thức doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội của Cộng đồng kinh tế (AEC), qua đó khuyến khích sáng tạo, khởi nghiệp và nâng cao năng lực kinh doanh.

Buổi tọa đàm diễn ra sáng 19/7, tại Hà Nội
Buổi tọa đàm diễn ra sáng 19/7, tại Hà Nội

Dưới góc độ của một chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành nhìn nhận về “cơ hội” từ góc độ của AEC và doanh nghiệp. Cùng đó, TS.Võ Trí Thành nêu lên 4 “đủ” đối với AEC là đủ lớn và hấp dẫn, đủ thuận lợi, đủ sang tạo và đủ hỗ trợ chính trị; với doanh nghiệp có 4 “đủ” là khát vọng, bản lĩnh và chuyên nghiệp, kết nối và chia sẻ, đủ khôn ngoan.

Phân tích về 4 “đủ” của AEC, TS. Võ Trí Thành cho hay, ASEAN có 625 triệu dân, trẻ, tầng lớp trung lưu tăng rất nhanh. ASEAN không chỉ là ASEAN mà là một trong những khu vực kết nối tốt nhất thế giới, các nhà đầu tư tốt nhất thế giới, thị trường tốt nhất. Thuế quan ASEAN giảm rất nhanh, kết cấu hạ tầng được cải thiện và định hướng về một cửa sổ ASEAN.

Ông Võ Trí Thành (bên trái) trao đổi với đại biểu tham dự tọa đàm
Ông Võ Trí Thành (bên trái) trao đổi với đại biểu tham dự tọa đàm

“AEC có đủ sáng tạo bởi nguồn nhân lực khu vực ASEAN rất giỏi, cũng như Việt Nam học rất giỏi nhưng làm rất kém. ASEAN rất quan tâm tới Luật sở hữu trí tuệ, quan tâm đào thải và chọn nguồn nhân lực chất lượng cao. ASEAN có Hiến chương, có mục tiêu, đẩy mạnh tự do hoá hợp tác, lấy con người làm trung tâm, nhưng người vô địch của ASEAN là Indonesia, Singapore hay 20 năm nữa là Việt Nam?” - chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đặt vấn đề.

Đại diện Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) đưa ra thực tế tiếp xúc với các doanh nghiệp, việc làm đối tác của các tập đoàn lớn như Samsung hay Canon cần đạt được một yêu cầu nhất định về máy móc, thiết bị, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam không dám bỏ tiền đầu tư vì sợ rủi ro. Vì vậy, cần giải quyết thách thức này để các doanh nghiệp tự tin khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh nói về AEC
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh nói về AEC

Trên thực tế, AEC là một trong 3 trụ cột quan trọng trong cộng đồng ASEAN, sau hơn một năm thành lập, AEC đã phát huy vai trò kiến tạo môi trường, tăng cường cơ hội để các doanh nghiệp có thể tham gia sâu rộng hơn vào thị trường ASEAN.

Tuy nhiên, lợi ích và cơ hội AEC có thể đem lại cho cộng đồng doanh nghiệp các nước thành viên ASEAN, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, vẫn chưa được biết đến một cách đầy đủ, thấu đáo. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức khi tham gia AEC, trong đó nổi lên là áp lực cạnh tranh từ các nước ASEAN cả trong sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ.

Ông Vũ Quang Minh - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao - khẳng định: Sự ra đời của AEC đánh dấu một nấc thang hội nhập mới của các nền kinh tế ASEAN với mục tiêu xây dựng một không gian kinh tế ASEAN gắn kết, cạnh tranh, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm. Ở Việt Nam, đa số doanh nghiệp có sự quan tâm và tìm hiểu về AEC, nhưng một số khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 16% doanh nghiệp thực sự hiểu về AEC.

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng, ASEAN cũng cần vượt qua nhiều khó khăn như khoảng cách phát triển giữa các nước, khác biệt giữa trình độ phát triển, luật pháp, thể chế, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Nhiều vấn đề cũng nảy sinh trong quá trình hội nhập như mục tiêu phát triển khác nhau, già hóa dân số, “bẫy” thu nhập trung bình, bất bình đẳng và các mối đe dọa phi truyền thống.

Châu Như Quỳnh