TS Trần Du Lịch: Nên chăng bỏ áp trần hạn mức tăng trưởng tín dụng xanh?

Nhật Quang

(Dân trí) - TS Trần Du Lịch đề xuất mở rộng hạn mức về tín dụng xanh cho các ngân hàng. Nếu ngân hàng làm tín dụng xanh thì có thể không bị áp trần hạn mức tín dụng cho mảng xanh.

Để phát triển tín dụng xanh, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, mới đây vừa có đề xuất về việc mở rộng hạn mức, hoặc bỏ trần hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực này.

Quan điểm trên được ông Lịch chia sẻ tại talkshow có nội dung liên quan đến phát triển tín dụng xanh do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 29/5.

Theo ông Lịch, Việt Nam là một trong những quốc gia có chủ trương từ sớm trong việc phát triển tín dụng xanh. Giai đoạn 2014-2015, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ban hành nhiều văn bản để hỗ trợ phát triển lĩnh vực này.

Theo ông, chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu, vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho những nước đang phát triển. Trên thực tế, một số ngành xuất khẩu của Việt Nam, như dệt may, gặp khó do chậm chuyển đổi xanh.

TS Trần Du Lịch: Nên chăng bỏ áp trần hạn mức tăng trưởng tín dụng xanh? - 1

TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia (Ảnh: BTC).

Doanh nghiệp trong tương lai sẽ phát sinh một khoản chi phí tài chính liên quan đến tín chỉ carbon, một là thu lời từ việc chuyển đổi xanh, hai là phải mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải. 

Cũng trong buổi chia sẻ, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TPHCM, nhận định về tình hình phát triển tín dụng xanh ngành ngân hàng. Cụ thể, tính đến hết quý I, 47 tổ chức tín dụng đã phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Dù tăng trưởng 2 con số trong vài năm nay nhưng hiện tại quy mô tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ, là con số khiêm tốn so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD/năm của nền kinh tế nhằm thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh, ông Minh nhận định.

Nên chăng bỏ áp trần hạn mức tín dụng xanh?

Để phát triển tín dụng xanh một cách mạnh mẽ, TS Trần Du Lịch nêu loạt giải pháp thúc đẩy.

Trước nhất, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế chính sách, các cơ quan chức năng cũng cần sớm ban hành, thống nhất định nghĩa danh mục, lĩnh vực, ngành nghề… được đánh giá là "xanh". Khi đã "xanh", các cơ chế ưu đãi, ưu tiên sẽ dễ dàng được áp dụng. 

Ngoài ra, ông cũng đề xuất ý kiến về việc trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm tới (2026-2030), nội dung kế hoạch phát triển phải hướng tới triết lý phát triển kinh tế xanh, để làm tiêu chí dẫn dắt các chính sách. 

Về vấn đề tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang quản lý mức tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng, giao hạn mức tăng trưởng trung bình toàn ngành khoảng 14-15%/năm. Tuy nhiên, để phát triển tín dụng xanh, ông Lịch đề xuất mở rộng hạn mức về tín dụng xanh cho các ngân hàng. Ở phương diện thúc đẩy mạnh mẽ hơn thì có thể cân nhắc đến việc không tính hạn mức đối với các khoản vay xanh. 

Ví dụ, một ngân hàng được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng thường ở mức 15%/năm, nếu có phát sinh dư nợ tín dụng xanh sẽ không bị cộng vào mức tăng trưởng tín dụng chung. Như vậy, dư địa để các ngân hàng phát triển tín dụng xanh còn rất lớn.  

TS Trần Du Lịch: Nên chăng bỏ áp trần hạn mức tăng trưởng tín dụng xanh? - 2

Chuyên gia đề xuất bỏ áp trần hạn mức tăng trưởng tín dụng xanh (Ảnh: Medium).

Ông Lịch cũng đề xuất rằng Chính phủ cân nhắc việc chi ngân sách hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp muốn thực hiện chuyển đổi xanh. Khi đó, không chỉ dừng ở việc các ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất cho các dự án xanh mà Chính phủ cũng có sự chung tay, góp sức.

Ngoài ra, năng lực quản trị của ngân hàng thương mại về tín dụng xanh, đội ngũ chuyên gia đánh giá tác động của tín dụng xanh cũng cần được chú trọng. Lực lượng này có vai trò giám sát dòng tiền của tín dụng xanh, để đảm bảo dòng vốn vay chảy đúng vào "chỗ xanh".

Cuối cùng, ông nêu cần tận dụng được các nguồn tín dụng quốc tế đã cam kết. Các ngân hàng cần có chính sách, để tận dụng các quỹ đầu tư tín dụng xanh của thế giới, làm phong phú cho nguồn vốn trong tương lai.