Phó Thống đốc: 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh

Thảo Thu

(Dân trí) - Đến 31/3 năm nay, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Việt Nam tích cực tham gia thực hiện cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh

Phát biểu tại Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam do Báo Dân trí tổ chức chiều 22/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhận định thực hành ESG, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới.

Theo lãnh đạo NHNN, Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, xã hội và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, đời sống của người dân. Vì vậy, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. 

Phó Thống đốc: 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh - 1

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại sự kiện của Báo Dân trí (Ảnh: BTC).

Ông Tú nói tại Hội nghị COP27, trong gần 150 quốc gia cam kết thực hiện mục tiêu Net Zero, Việt Nam là một trong các quốc gia đã có những hành động nhanh, kịp thời để triển khai cam kết bằng việc ban hành khung chính sách tăng trưởng xanh.

Lãnh đạo nhà điều hành tiền tệ nói thêm, là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, ngành ngân hàng luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc "xanh hóa" dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có yêu cầu về áp dụng các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, xuất phát bởi 4 yếu tố.

4 yếu tố gồm sự gia tăng các quy định về ESG đòi hỏi các ngân hàng phải tuân thủ và cập nhật liên tục những đổi mới trong quy định và chính sách để ngày càng thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội; nâng cao uy tín của ngân hàng thông qua việc tích hợp và minh bạch các vấn đề liên quan đến ESG; cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, vì rủi ro ESG không đứng độc lập hay tách biệt, mà còn liên đới tới các rủi ro của tổ chức tín dụng; và khi áp dụng ESG, các tổ chức tín dụng có cơ hội mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm tín dụng trong quá trình tiếp nhận các dòng vốn đầu tư xanh từ các tổ chức tài chính quốc tế.

NHNN cũng đã đã ban hành nhiều Chỉ thị, Thông tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; định hướng các tổ chức tín dụng phát triển hoạt động ngân hàng xanh hướng đến bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững...

47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh

Lãnh đạo NHNN thông tin, giai đoạn 2014-2020 và theo dõi từ 2021 đến nay, các tổ chức tín dụng đã có sự thay đổi về nhận thức hướng tới hoạt động bền vững. Nhiều tổ chức tín dụng, trên cơ sở quy định của NHNN đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế để xây dựng quy chế nội bộ thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho một số hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng.

Giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Ông Tú nói: "Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế".

Phó Thống đốc: 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh - 2

Quang cảnh sự kiện của Báo Dân trí ngày 22/5 (Ảnh: BTC).

Đại diện NHNN đánh giá cao việc Báo Dân trí đã ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam để các đơn vị gồm các ngân hàng, các doanh nghiệp, các tổ chức và cơ quan liên quan cung cấp, chia sẻ những kinh nghiệm, thông tin hữu ích góp phần nâng cao năng lực thực hành ESG tại Việt Nam theo các thông lệ quốc tế, trong bối cảnh nước ta ngày càng tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có nhiều cam kết quốc tế về trách nhiệm đối với môi trường, xã hội.

"Về phía NHNN, chúng tôi hiểu rằng thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngành ngân hàng, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững vừa là cơ hội, vừa là thách thức, vừa đòi hỏi phải khẩn trương, quyết liệt từ nhận thức tới hành động, vừa phải từng bước hoàn thiện các chính sách, cơ chế về tiền tệ tín dụng cho quá trình tổ chức triển khai của các tổ chức tín dụng", ông Tú khẳng định.

NHNN sắp tới sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường quản lý rủi ro môi trường, xã hội và rủi ro khí hậu trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng; đồng thời theo dõi, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình các tổ chức tín dụng thực hiện quản lý rủi ro môi trường theo quy định tại Thông tư 17/2022.

Đơn vị này cũng sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, các dự án mô hình kinh tế góp phần thực hiện các yêu cầu về đổi mới mô hình tăng trưởng quốc gia, phát thải thấp; đồng thời hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia.

Ngoài ra, NHNN sẽ tích cực tham gia các Diễn đàn trong nước và quốc tế về tín dụng xanh, ngân hàng xanh, thực hành ESG và tăng trưởng bền vững; đồng thời thúc đẩy các hoạt động truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức và chất lượng của nguồn nhân lực ngành ngân hàng nhằm đáp ứng các yêu cầu triển khai về thực hành ESG cũng như các tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển bền vững.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đánh giá cao sự kiện ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam của Báo Dân trí và tin đây sẽ là diễn đàn rất hữu ích cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà đầu tư chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc thúc đẩy áp dụng ESG tại Việt Nam.