TS Trần Đình Thiên: Khu vực kinh tế tư nhân không lớn được, phát triển rất dị thường

(Dân trí) - "Tôi có đề xuất chuyển quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước hiện nay thành quá trình tư nhân hóa. Động lực chuyển quyền Nhà nước sang cổ phần hóa đã không phù hợp, không làm nổi giờ phải chuyển để phù hợp với thời cuộc".

Đây là khẳng định của PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Tại Diễn đàn Triển vọng Phát triển Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 được tổ chức sáng 15/3 tại Hà Nội.

Khu vực kinh tế tư nhân phát triển dị thường

Mở đầu Diễn đàn, PGS Thiên khẳng định, kinh tế Việt Nam vẫn tụt hậu, so với những nước muốn đuổi kịp họ thì chúng ta lại đi xa hơn.

TS Trần Đình Thiên: Khu vực kinh tế tư nhân không lớn được, phát triển rất dị thường - 1

PGS, TS Trần Đình Thiên, thành Viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Minh chứng là những nền kinh tế thấy Việt Nam cần đuổi kịp, cần phải vượt như các nước trong ASEAN, Trung Quốc họ đang bỏ xa chúng ta.

TS Thiên phân tích: "Kinh tế tư nhân 30 năm đáng lẽ đã phải "nở" ra rất nhanh rồi nhưng thực tế theo thống kê năm 2018, khu vực này mới chỉ sản xuất ra được 7,8% GDP. Nhiều chuyên gia không tin vào con số này bởi đầu khu vự tư nhân nhiều không thể bé như thế này."

"Nếu chúng ta cộng trừ nhân chia tất cả, kinh tế tư nhân khéo chỉ đóng 10% GDP. Như vậy, với nền kinh tế mở cửa của Việt Nam mà khu vực tư chỉ đóng góp 10% GDP, trong khi khu vực kinh tế nước ngoài (FDI) đóng góp 18% hoặc 20% GDP, trong khi kinh tế tư nhân chỉ chiếm 1 nửa so với họ, vì vậy, khoảng cách hai khu vực này khá xa nhau", ông Thiên nói.

Nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, hai lực lượng đang đóng góp lớn vào GDP là FDI phần lớn gia công, nhập khẩu để xuất khẩu và doanh nghiệp Nhà nước thì một là không phụ thuộc vào Việt Nam, hai là có nhiều đất đai lại sản xuất ra GDP. Nếu chúng ta không có giải pháp thì kinh tế rất khó xác định đâu là động lực và đâu là chỗ tăng GDP của Việt Nam.

Theo ông này: "Qua 30 năm qua, các DN vừa của chúng ta rất ít, tư nhân không lớn lên thành người được mà chỉ bé. Đúng như TS Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam nói khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam rất dị thường, không lớn được".

"Tôi nói rằng, riêng FDI đóng góp 20% GDP nhưng họ xuất khẩu 72% kim ngạch cho VIệt Nam. Lạ thường! họ rất mạnh để xuất khẩu", ông Thiên dẫn số liệu minh chứng.

Theo TS Thiên, hiện Việt Nam kéo nhiều hiệp định về nhưng kéo nhiều để làm gì cho doanh nghiệp Việt? Khi trước tôi được giao về các địa phương để nói về cơ hội và thách thức của các hiệp định tự do thương mại cho Việt Nam.

"Kéo FTA về thì khu vực thuận lợi khu vực FDI họ tận dụng được hết, còn doanh nghiệp Việt Nam mình không thể tận dụng được cơ hội. Tôi không có ý kỳ thị khu vực FDI hay doanh nghiệp trong nước, nhưng rõ ràng những cơ hội của chúng ta đang trôi qua tay các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân", TS Trần Đình Thiên nói.

Theo ông Thiên, kinh tế tư nhân là lực lượng thị trường tích cực, nó ra đời và làm thay đổi hoàn toàn thị trường.

Khoa học công nghệ đang đi lang thang, ngoài lề của phát triển

Tuy nhiên, ông này cho rằng nhận thức kinh tế thị trường của Việt Nam hiện chậm thay đổi. Khái niệm kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa chưa giải thích rõ, tiêu chuẩn, tiêu chí là gì? Điều này nhiều khi khiến cụm từ "định hướng xã hội chủ nghĩa" bị lạm dụng để Nhà nước can thiệp, làm kìm hãm kinh tế thị trường.

Ông Thiên nhấn mạnh: Cơ chế đối xử với cái mới, cái hay của Việt Nam hơi ngược. DN chúng ta hiện nay yếu về luật, phạm luật rất cao; tư duy thấy người giàu là ghét là không đúng, cần bỏ.

"Ta hay khuyến khích ngược, người làm tốt không được hơn. Phân bổ ngân lực, chọn sẵn người thắng chứ không chọn người để thắng, có dự án, cái ngon lại chọn hết cho doanh nghiệp nhà nước, mà không chọn người làm tốt", TS Thiên nói.

Ông này đề cập, chúng ta phải cải thiện điều này, nguyên lý thay đổi rất cơ bản là phải thay thế hướng tiếp cận: Khu vực Nhà nước và tư nhân đều phải được bình đẳng như nhau với tư cách như nhau.

"Tôi có đề xuất chuyển quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước hiện nay thành quá trình tư nhân hóa. Động lực chuyển quyền Nhà nước sang cổ phần hóa đã không phù hợp, không làm nổi giờ phải chuyển để phù hợp với thời cuộc", ông Thiên nhấn mạnh.

Theo đề xuất của TS Thiên, Việt Nam cần hai chiến lược trọng tâm là: Chiến lược khoa học công nghệ và chiến lược xây dựng cộng đồng doanh nghiệp.

Theo ông này, chiến lược thứ nhất là: "Khoa học và công nghệ phải là chiến lược trục, hiện nay nó vẫn là bên lề, đi lang thang", vị chuyên gia ví von.

Thứ hai là Việt Nam phải phát triển doanh nghiệp theo chuỗi, liên kết, cấu trúc công nghiệp nhiều tầng, chứ không dàn hàng ngang. Phải nối với nhau, cách tạo lập chuỗi như nào phải chính sách.

"Lực lượng doanh nghiệp phải đương đầu với nước ngoài, nếu ta tổ chức tốt thì hợp tác và bắt tay với nước ngoài, chứ đừng chờ họ yếu, chờ họ bố thí bắt tay là không có", Ông Thiên cho hay

Nguyễn Tuyền