1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Kinh tế tư nhân là "ngôi sao hy vọng" của kinh tế Việt Nam

(Dân trí) - "Chưa bao giờ khu vực kinh tế Việt Nam được đề cao là một trong động lực phát triển của đất nước như hiện nay. Các doanh nghiệp tư nhân đã "ấm lòng", có niềm tin mạnh mẽ hơn vào tương lai phát triển của mình".

Đây là chia sẻ của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2017.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đồng Chủ tịch VBF năm 2017
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đồng Chủ tịch VBF năm 2017

Theo ông Lộc, một năm sau Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức năm 2016, nhiều doanh nghiệp (DN) đã ghi nhận những cải thiện rõ rệt về môi trường kinh doanh, các kiến nghị các chính sách phát triển đã được lắng nghe, cổ vũ thực hiện.

Tuy nhiên, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, chặng đường cải cách còn gian nan, khiến chúng ta phải cố gắng, nỗ lực cao hơn. Năm 2030, nhiệm vụ đặt ra là Việt Nam phải xếp vào 3 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh tốt nhất ASEAN nhưng thực tế, so với 3 nền kinh tế hàng đầu ASEAN hiện nay, chúng ta còn xa, đặc biệt so với chuẩn Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) rõ ràng là thách thức lớn.

Ông Lộc dẫn giải: Chi phí kinh doanh tại Việt Nam đang ở mức độ cao, tăng nhanh, mặc dù cuộc đối thoại đầu tiên của Chính phủ mới với DN với đề xuất giảm chi phí kinh doanh cho DN đã được thực hiện nhưng hiện các loại chi phí kinh doanh của Việt Nam vẫn cao, trong đó có lương tối thiểu tăng nhanh hơn tăng năng suất, chi phí BHXH, công đoàn... đang trở thành áp lực đối với các DN tại Việt Nam.

"Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn nhưng chi phí logistics cao nên hàng hoá kém cạnh tranh so với nhiều nước. Các chi phí về hành chính vẫn còn cao, thủ tục phiền hà và nặng nề...", Chủ tịch VCCI nhấn mạn.

Mặc dù còn nhiều tồn tại, song Chủ tịch của VBF năm 217 nhấn mạnh đến sự kỳ vọng đối với khu vực kinh tế tư nhân: Chưa bao giờ khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam được đề cao là một trong động lực phát triển của đất nước. "Các doanh nghiệp tư nhân đã ấm lòng, có niềm tin mạnh mẽ hơn vào tương lai phát triển của mình", ông Lộc nói.

Bản thân khu vực kinh tế tư nhân trong nước thực tế chưa được phát triển xứng tầm, môi trường thể chế chính sách thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân còn yếu, vướng vào đầu tư, đầu cơ ngắn hạn, chưa có lực đẩy vươn tới chuẩn mực toàn cầu, nên không kết nối được các tập đoàn xuyên quốc gia.

Tuy nhiên, nếu tạo cơ chế, hành lang và môi trường thông thoáng, khu vực kinh tế tư nhân hoàn toàn có thể làm được. Ông Lộc nhấn mạnh: Đã có những DN tư nhân Việt Nam có thể làm ra hoặc kết hợp với DN nước ngoài một sản phẩm, công trình với chất lượng quốc tế, thời gian để hoàn thành công trình với tiêu chuẩn quốc tế nhanh kỷ lục. Chưa bao giờ khu vực tư nhân đóng góp trọng trách lớn như hiện nay.

Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân thực sự phát triển, ông này cho rằng, Việt Nam không chỉ phải giải phóng thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh, mà còn cần đưa ra chính sách công nghiệp thúc đẩy khu vực tư nhân vươn lên. Giải pháp này đã được các nền kinh tế phát triển nhanh trên thế giới làm và chúng ta nên học hỏi.

An Linh