TS Nguyễn Đình Cung: Doanh nghiệp Nhà nước đang làm xói mòn sự thịnh vượng đất nước
(Dân trí) - Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tiêu tốn nhiều nguồn lực nhưng không có đóng góp tương xứng, làm xói mòn sự thịnh vượng và tiềm năng quốc gia.
Tại Diễn đàn bền vững Việt Nam 2018 diễn ra sáng nay (18/1), nhiều chuyên gia, nhà kinh tế đã đưa ra nhận định về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017 và dự đoán, đưa ra đường hướng trong năm 2018. Trong đó, theo ông Nguyễn Đình Cung thì khu vực DNNN hiện nay sử dụng nhiều nguồn lực nhưng đóng góp vào nền kinh tế chưa tương xứng. "Xét về chi phí cơ hội thì khu vực này đang làm xói mòn đi thịnh vượng và tiềm năng quốc gia”, ông nói.
Theo đó, ông Cung cho biết, trong 10 năm vừa rồi, những sự mất mát mà DNNN gây ra đã làm giảm tiềm năng và suy giảm năng lực phát triển tăng trưởng của nền kinh tế rất nghiêm trọng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, nhiều DNNN có đầu tư lớn, có vốn cao nhưng năng suất, hiệu quả lại thấp. Đầu tư lại thiên về gia tăng tài sản hơn là đầu tư về khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng tài sản.
Do đó, nhiều chuyên gia nhận định rằng, cần cải cách hiện trạng trên theo 3 phương diện. Buộc các DNNN phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Tiếp theo là nâng cao hiệu lực quản trị DNNN theo thông lệ quốc tế. Cuối cùng là cổ phần hóa và thoái vốn.
Cũng tại diễn đàn, nhà kinh tế học Lê Văn Cường cho rằng, Việt Nam phải phát triển được thị trường nhân tố sản xuất như thị trường vốn, thị trường quyền sử dụng đất. Theo đó, “nền kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn nữa nếu bảo đảm được tính minh bạch và công bằng”, ông Cường nói.
Về khía cạnh này, Viện trưởng CIEM đánh giá, thị trường quyền sử dụng đất ở Việt Nam hiện nay đang theo cơ chế hành chính xin cho.
“Và khi đã như vậy thì ai quen thân là xin được, DN phát triển kĩ năng xin còn hơn kĩ năng kinh doanh, hơn cả xây dựng năng lực cạnh tranh”, ông Cung nói.
Bởi vậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, toàn bộ điều đó làm DN tư nhân của Việt Nam muốn lớn cũng không lớn được.
“Họ sợ lớn và không thể lớn được. Khu vực DNNN cũng tương tự, cũng thiếu tính năng động. Tất cả làm giảm tính cạnh tranh cả quy mô, mức độ và tính công bằng trên thị trường”, Bộ trưởng Dũng nói thêm.
Đồng tình với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Cung cho biết, ông không mong gì hơn là Việt Nam trong thời gian tới sẽ thị trường hơn, cạnh tranh hơn.
Hồng Vân