1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp Nhà nước “trầy trật cổ phần” làm gánh nặng nợ quốc gia thêm lớn

(Dân trí) - "Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thua lỗ, hiệu quả sử dụng vốn thấp đang làm cho gánh nặng nợ quốc gia thêm lớn, vì khi Chính phủ bảo lãnh vay, họ không trả được nợ thì đương nhiên nợ đó sẽ biến thành nợ của Chính phủ"

Đây là khẳng định trong báo cáo rất chi tiết về thực trạng của cổ đông chiếc lược trong cổ phần hóa DNNN vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) công bố tại Hà Nội


Doanh nghiệp Nhà nước dù có nhiều lợi thế song quá trình chọn cổ đông chiến lược không là chuyện suôn sẻ.

Doanh nghiệp Nhà nước dù có nhiều lợi thế song quá trình chọn cổ đông chiến lược không là chuyện suôn sẻ.

Theo báo cáo của CIEM và Amcham, DNNN tại Việt Nam đang có các rủi ro lớn về sử dụng vốn, kỹ năng và thói quen quản trị cũ kỹ cả trước, trong và sâu cổ phần. Mặc dù khu vực này thừa hưởng và có sẵn lợi thế đất đai, thuế, bảo hộ sản xuất, nhưng những rủi ro "động" đã và đang khiến những nhà đầu tư chiến lược chùn bước khi muốn tham gia bỏ vốn vào DNNN khi cổ phần hoá.

Các DNNN hiện có ''hiệu quả sử dụng vốn thấp và các dự án đầu tư kém hiệu quả đã dẫn tới tình trạng nhiều DNNN thua lỗ, nợ đọng kéo dài", báo cáo của các chuyên gia đánh giá.

Báo cáo từ CIEM và từ Mỹ khẳng định: "DNNN đang làm cho gánh nặng nợ quốc gia thêm lớn, vì khi Chính phủ bảo lãnh vay, doanh nghiệp không trả được nợ thì đương nhiên nợ đó sẽ biến thành nợ của Chính phủ".

Theo các chuyên gia, hiện nguồn vốn vay ngân hàng và nguồn vốn chiếm dụng lẫn nhau của các DNNN hiện rất cao, cho thấy tình hình tài chính của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước không lành mạnh, lợi nhuận lũy kế trên tổng tài sản không bằng một số thành phần kinh tế khác.

Về quản trị DN, các chuyên gia chỉ rõ các DNNN yếu kém cả trước cổ phần, trong quá trình cổ phần và sau quá trình cổ phần. Việc chỉ bán với lượng vốn rất ít ỏi, tỷ lệ vốn Nhà nước sau cổ phần tại các DNNN còn chi phối gần như tuyệt đối khiến kỹ năng và thói quen quản trị không hề thay đổi. Nhiều nơi, nhiều chỗ cổ đông chiến lược chỉ danh nghĩa, không có vai trò và tác động đến quá trình thay đổi của DN.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nói: "Trong cổ phần, một số DN chỉ có một nhà đầu tư chiến lược đăng ký tham gia mua cổ phần, phương thức bán thỏa thuận trực tiếp. Điều này dễ dẫn đến thất thoát vốn của Nhà nước và không đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, nguyên tắc thị trường trong quá trình cổ phần hóa".

Ông Cung nói thêm: “Chúng ta phải xác định lại thế nào là cổ đông chiến lược, vai trò của họ ra sao và họ vào đây để làm gì? Cổ phần hóa là cả quá trình, phía trước chúng ta còn rất nhiều vấn đề. Chúng ta đã xác định được 2 chỗ là “việc phải làm, làm như thế nào” rồi còn “ai làm, làm làm gì và khi nào làm” là 3 yếu tố này chưa ai biết được và quy cho ai”.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia việc công khai thông tin DN, về chính sách sở hữu tại DN dự kiến cổ phần hóa và hậu cổ phần hóa chưa được triển khai mạnh như luật định. Điều này càng làm cho các nhà đầu tư bên ngoài ngại mua cổ phần của DNNN.

Lấy trường hợp DN Nhà nước đã cổ phần, Viện CIEM nói rõ: Việc công khai minh bạch thông tin cũng thường chậm, bị trì hoãn hoặc không đảm bảo chất lượng. Theo Bộ Tài chính, tính tới tháng 4 năm 2017, có tới 578 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK. Tới hết quý II năm 2017, thống kê đầy đủ hơn của Bộ Tài Chính cho thấy có tới 730 DNNN cổ phần hóa nhưng không niêm yết.

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Hà Nội cho rằng: "DN Mỹ là những người có kỹ năng đầu tư tốt nhất, triển khai hình thức đầu tư tốt nhất thế giới, họ coi quá trình cổ phần hóa tại Việt Nam là cơ hội đầu tư vốn có lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, cái họ muốn thấy là Việt Nam phải thay đổi chính sách; đối với các nhà đầu tư Mỹ khi họ chưa biết giá trị họ mua vào đem lại lợi nhuận như thế nào cũng như mức độ kiểm soát tài sản, thì sẽ rất khó khăn cho họ quyết định bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam".

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm