“Thực tế, thời gian qua chưa doanh nghiệp Nhà nước nào phá sản”
(Dân trí) - Băn khoăn về trách nhiệm của Nhà nước khi các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) mất khả năng thanh toán trong dự Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, trên thực tế, trong thời gian qua chưa có DNNN nào phá sản mà luôn luôn được sử dụng các phương pháp mềm để xử lý, trong đó Vinashin là một ví dụ điển hình.
Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), phạm vi nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương; loại trừ các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước - DNNN (các khoản bảo lãnh Chính phủ cho DNNN đã được tính vào nợ công), nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, thảo luận tại hội trường sáng nay (16/6), các đại biểu Quốc hội vẫn cho thấy có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) không khỏi băn khoăn, đặt câu hỏi: Vậy nợ của doanh nghiệp (DN), nợ của các đơn vị sự nghiệp công khi làm ăn bị thua lỗ dẫn đến phá sản thì Chính phủ có bỏ tiền ra để giải cứu không? Việc Chính phủ vay tiền ở một số quỹ thì tiền đó có phải là tiền Chính phủ nợ trong nước hay không, hay gọi là tiền nợ gì?..
Ông Tiến cho rằng, đã đến lúc cần phải làm rõ và công khai, minh bạch các khoản nợ công thì mới bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Không đồng tình với phạm vi nợ công như dự thảo, vị đại biểu đề xuất, nợ công còn phải bao gồm nợ của DNNN, nợ của các đơn vị sự nghiệp công lập, nợ do ngân hàng phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ, nợ Chính phủ vay từ các quỹ... Bởi, một khi các cơ quan này bị rủi ro thì Nhà nước có đứng ra làm “bà đỡ”?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) cũng có thắc mắc tương tự. Đó là khi DNNN và cả DN do Nhà nước giữ cổ phần chi phối thì Nhà nước có trách nhiệm đối với khoản nợ trong trường hợp DN mất khả năng trả nợ hay không?
“Trên thực tế, tất cả các DNNN trong thời gian qua chưa có DN nào phá sản mà luôn luôn được sử dụng các phương pháp mềm để xử lý. Nguồn hỗ trợ này cuối cùng cũng đều góp phần vào việc tăng chi tiêu ngân sách ảnh hưởng tới nợ công”, ông Bảo phân tích.
Đại biểu này lấy ví dụ, nợ của Vinashin tại các ngân hàng thương mại thì Chính phủ vẫn phải bỏ ra một phần tiền để bù đắp, đồng thời cũng đã chuyển một phần nợ sang cho Vinalines và PVN, bổ sung vốn tiền từ ngân sách Nhà nước (NSNN), tăng vốn điều lệ cho Vinashin từ 9.000 tỷ đồng lên 14.655 tỷ đồng.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho biết, chưa thống nhất việc luật không quy định nội dung giám sát các khoản vay nợ không tính vào nợ công vì khi có rủi ro thì Nhà nước hoặc NSNN vẫn phải gánh chịu các khoản nợ này.
Đơn cử, khi các đơn vị sự nghiệp công lập không trả nợ tự vay, tự trả thì Nhà nước buộc phải “gánh” thay để không ảnh hưởng đến các nhiệm vụ Nhà nước giao cho các đơn vị này. Hơn nữa, không có quy định các đơn vị này được phá sản, thực tế không thể phá sản các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với DNNN khi không trả được nợ có thể phá sản nhưng tín nhiệm quốc gia sẽ bị ảnh hưởng, làm tăng chi phí đi vay, rủi ro cao, vay phải trả cao, người lao động mất việc làm, các khoản nợ không trả được sẽ trở thành nợ xấu của ngân hàng...
Giải đáp những thắc mắc của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, qua khảo sát 40 nước và nhóm nước thì hầu hết các nước đều không tính nợ DNNN vào nợ công. Chỉ có 3 nước có quy định, nhưng đây là DN hoạt động công ích và chi tiêu của DN này được tính trong cơ cấu, kết cấu của dự toán NSNN hàng năm.
Về nợ của các đơn vị sự nghiệp công lập các khoản Chính phủ vay về cho vay lại tới các đơn vị sự nghiệp công lập như bệnh viện, trường học đã được tính vào nợ của Chính phủ. Theo quy định hiện hành các khoản vay theo cơ chế tự vay, tự trả của đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện như quy định áp dụng đối với doanh nghiệp.
Về vấn đề bảo lãnh nợ nước ngoài và cho vay lại, Bộ trưởng cho biết, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội là tiếp tục rà soát nhưng tinh thần siết chặt. Hai năm nay không có cấp bảo lãnh mới cho các dự án mà chỉ có giải ngân các dự án đã được bảo lãnh trước kia. Còn lại 2 ngân hàng chính sách bảo lãnh ở mức tối thiểu ngang bằng với số phải huy động để đảm bảo bằng mức trả nợ của trong năm, chứ không có bảo lãnh quy mô lớn hơn.
Bích Diệp