TS. Huỳnh Thế Du: Xin đừng đặt vấn đề bỏ Tết, sau năm 2045 hãy bàn!

(Dân trí) - TS. Huỳnh Thế Du cho rằng lập luận nhập hai Tết Âm lịch và Dương lịch để hiệu quả hơn về mặt kinh tế rất kém thuyết phục.

TS. Huỳnh Thế Du: Xin đừng đặt vấn đề bỏ Tết, sau năm 2045 hãy bàn! - 1
Ông Huỳnh Thế Du cho rằng, Tết là cần thiết ở Việt Nam và khó có thể bỏ.


Sau 2045, hãy bàn chuyện bỏ Tết

Một chủ đề được khá nhiều quan tâm, bàn luận mỗi dịp Tết đến Xuân về là chuyện… có nên bỏ Tết hay không. Có quan điểm cho rằng nên bỏ Tết âm lịch để hội nhập với thế giới và tránh tốn kém.

Tuy nhiên theo quan điểm của TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam, khi nhìn công bằng việc “không để ai bị bỏ lại phía sau”, hay mục tiêu của cả xã hội là chăm lo cho những người yếu thế nhất thì Tết Âm lịch vẫn đang rất cần thiết trong xã hội Việt Nam.

“Tết tất cả đều dừng lại, những người phải làm quần quật cả năm mới có dịp ngừng tay. Dịp duy nhất như vậy đối với nhiều người sao lại đòi bỏ đi?”, ông Du nêu quan điểm.

Theo vị chuyên gia này, nếu tính tổng phúc lợi của tất cả những người trong xã hội thì Tết có thể tốn kém. Nền kinh tế bị dừng và những người khá giả hơn (chủ yếu là thị dân) có thể cảm thấy gánh nặng của cái tết.

“Tuy nhiên, bỏ Tết Âm lịch là hy sinh lợi ích của những người khó khăn hơn cho những người khá giả hơn. Bây giờ chưa phải lúc để đặt vấn đề bỏ Tết vì nhiều người còn cần (đó là chưa kể khía cạnh truyền thống). Có thể đặt vấn đề này sau năm 2045 với điều kiện Việt Nam đã trở thành một quốc gia phát triển”, ông Du nhấn mạnh.

Ăn Tết Âm lịch tác động như thế nào đến nền kinh tế?

TS. Huỳnh Thế Du cũng cho rằng lập luận nhập hai tết âm lịch và dương lịch để hiệu quả hơn về mặt kinh tế cũng rất kém thuyết phục.

Thứ nhất theo ông Du, không có dấu hiệu cho thấy nhập tết sẽ hiệu quả hơn trong quan hệ kinh tế với các đối tác của Việt Nam. Lập luận chính của việc nhập tết là để cùng nhịp với các đối tác kinh tế, không bỏ lỡ cơ hội của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu lấy thương mại hai chiều và vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài làm thước đo thì kết quả cho thấy ăn Tết Âm lịch như hiện tại tốt hơn so với việc chuyển.

Ông Du phân tích, từ năm 1995 đến nay, thương mại với các nước theo tết âm lịch (nghỉ hai ngày trở lên) chiếm hơn 40% (năm 2018 là 43%); các nước bắc Mỹ, EU, Úc và New Zealand và Nhật Bản chiếm hơn 37% (năm 2018 còn dưới 35%); các nước Asean (không bao gồm Singapore vì vẫn đang ăn Tết âm) chiếm khoảng 11% (năm 2018 còn hơn 10%), và các nước khác chiếm hơn 11% (năm 2018 là hơn 12%).

Theo ông Du, nếu có điều chỉnh lịch nghỉ thì không giải quyết được vấn đề vênh với nhóm các nước đang chiếm hơn 20% khối lượng giao dịch thương mại với Việt Nam.

Đáng lưu ý theo vị này, nếu so sánh hai nhóm chính là các nước ăn Tết Âm lịch và Dương lịch, nếu chuyển thì tỷ phần bị lệch là 43%, bù lại số phần không bị lệch là 35%. Như vậy, thậm chí tình trạng sẽ tệ đi.

Bên cạnh đó ông Du cho rằng, nếu nhìn trên bình diện toàn cầu sẽ là thảm hoạ cho nhân loại vì nhu cầu quá cao ở một thời điểm. Giả sử lập luận Việt Nam ăn Tết Dương lịch sẽ gia tăng hiệu quả là đúng cho Việt Nam thì có thể suy luận tương tự đối với các nước khác. Nếu cả thế giới cùng ăn tết dài ngày một lần sẽ là thảm họa vì nhu cầu của rất nhiều hàng hoá dịch vụ sẽ tăng cao quá mức.

Ông Du lấy ví dụ trong những ngày tết, các hãng hàng không của Việt Nam có thể thuê tạm máy bay của Campuchia hay Indonesia để tăng cường cho các chuyến bay trong nước. Nếu các nước cùng ăn tết giống nhau thì việc thuê lại là không thể.

“Trên thực tế, sự đa dạng trong các ngày nghỉ của các nước trên thế giới hiện nay đang tạo ra sự hài hoà hơn về việc sử dụng các nguồn lực của nhân loại so với tất cả đều giống nhau”, ông Du giải thích.

Chưa kể theo ông Du, những ngày nghỉ và lễ hội không đơn thuần là tự đặt ra mà nó còn có ý nghĩa văn hóa, tâm linh và niềm tin của các cộng đồng. Mọi người sẽ nghĩ thế nào nếu ai đó đưa ra đề xuất nhập các ngày lễ Phật Đản, Ramadan và Giáng sinh vào với nhau cả cho hiệu quả?

“Tôi chia sẻ với mong muốn bỏ Tết giống như một cú huých nhằm tạo ra sự thay đổi về những thứ đang rất không hiệu quả do nó gây ra và một số người khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, tôi thấy việc này còn khó hơn đội đá vá trời”, ông Du bàn luận.

Tóm lại theo ông Du, Tết là cần thiết ở Việt Nam và khó có thể bỏ. Đương nhiên, tôi không phủ nhận những hệ lụy tiêu cực của Tết đã được đề cập rất nhiều. Do vậy, điều cả xã hội cần làm là giảm bớt những thứ gây ra nhiều tác hại như rượu bia hay ăn uống quá mức, cờ bạc cùng với những điều không hay khác.

Nguyễn Mạnh (ghi lại)