Trung Quốc tuyên bố chấm dứt nghèo đói nhờ "các khoản nợ" cao ngất ngưởng

Thùy Dung

(Dân trí) - Trung Quốc đã tuyên bố chấm dứt nghèo đói, nhưng chiến thắng đó lại đi kèm với các khoản nợ chồng chất ở các quận nghèo nhất nước, làm làm dấy lên nghi ngờ về tính bền vững của chiến dịch xóa nghèo.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 3/12 rằng: "Qua 8 năm làm việc bền bỉ, Trung Quốc đã đưa toàn bộ cư dân nghèo ở nông thôn thoát khỏi đói nghèo. Gần 100 triệu người dân Trung Quốc đã thoát khỏi cảnh nghèo đói."

Mức chuẩn nghèo chính thức của Trung Quốc cho năm 2020 là 4.000 nhân dân tệ (612 USD)/năm. Riêng chính quyền Trung ương đã chi hơn 530,5 tỷ nhân dân tệ kể từ năm 2016 để đưa người dân thoát nghèo, tập trung nhiều vào các khu vực có thu nhập tương đối thấp như Vân Nam, Tứ Xuyên và Tân Cương.

Trung Quốc tuyên bố chấm dứt nghèo đói nhờ các khoản nợ cao ngất ngưởng - 1

Một người dân nhập cư Trung Quốc đang lượm nhặt phế liệu tại khu vực ngoại ô thành phố Bắc Kinh. Ảnh: Reuters 

Những nỗ lực xóa đói giảm nghèo tích cực của Trung Quốc thông qua các biện pháp như di dời toàn bộ cộng đồng nông dân khỏi các vùng nghèo, miền núi và giải ngân hỗ trợ tiền tệ không phải lúc nào cũng đạt được hiệu quả như mong muốn.

Chỉ cần xem Wang Shicui - một cư dân địa phương được chính quyền khuyến khích mở nhà trọ ở Chengkou - thành phố thuộc quận nghèo nhất của Trùng Khánh như một ví dụ điển hình. Chính quyền địa phương đã trao 100.000 nhân dân tệ để cải tạo nhà của Wang Shicui thành nhà khách và cung cấp cho gia đình họ những sự hỗ trợ hào phóng về nhà ở, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Thu nhập gia đình Wang đã tăng vọt lên khoảng 100.000 nhân dân tệ một năm - gấp 10 lần so với trước đây.

Nhưng bản thân nhà trọ không hẳn phát triển mạnh. Giao thông chậm và mỗi khách chỉ tiêu khoảng 100 nhân dân tệ ở đó. Gia đình Wang phải sống chủ yếu nhờ vào sự trợ giúp của nhà nước - khu vực này được Trùng Khánh tài trợ khoảng 90% tất cả các khoản, không rõ thành phố Trùng Khánh có thể duy trì được các khoản thanh toán như vậy trong bao lâu?

Vào hồi tháng 7 vừa qua, báo chí Trung Quốc đã đưa tin rằng huyện Dushan của tỉnh Quý Châu đang nợ 40 tỷ nhân dân tệ. Quận miền núi nghèo khó này đã "rót" ngân sách chính thức và các khoản vay từ các ngân hàng vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, chẳng hạn như bản sao của Tử Cấm Thành và một tòa nhà khoảng 100m được xây theo phong cách của một nhóm dân tộc thiểu số địa phương.

Một số người nói rằng chỉ riêng khoản thanh toán lãi suất của Dushan đã có thể vượt qua doanh thu hàng năm của khu vực, thường là 1 tỷ nhân dân tệ trở xuống.

Một người trong giới truyền thông Trung Quốc cho biết: "Một số thành phố cũng đã mua nông sản từ các khu vực nghèo với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường để nâng cao thu nhập cho những người dân ở khu vực đói nghèo."

Các nhà phê bình cũng cho rằng Trung Quốc đang đặt mức chuẩn nghèo cho mình quá thấp. Theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới đưa ra, bất kỳ ai sống dưới 1,9 USD/ngày là cực kỳ nghèo. Điều đó có nghĩa là con số này sẽ tương đưởng khoảng 693,5USD/năm, cao hơn khoảng 80 USD so với ngưỡng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Tập coi việc xóa đói giảm nghèo là một trong những kế hoạch chính trị quan trọng của ông trước thềm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng vào tháng 7 năm tới.

Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng 5 đã nhấn mạnh rằng có khoảng 600 triệu người Trung Quốc chỉ kiếm được khoảng 1.000 nhân dân tệ mỗi tháng, điều này đã gây ra nhiều tranh cãi ở Trung Quốc và nước ngoài.

Một luật sư làm việc với các khách hàng có thu nhập thấp ở Bắc Kinh cho biết: "Không có gì lạ khi những người sống trên 1.000 nhân dân tệ hoặc ít hơn một tháng ở ngoại ô thành phố. Mọi thứ đều đắt đỏ ở các khu vực thành thị, vì vậy có những người sống vô cùng khó khăn ngay cả khi họ không phải những người nằm trong mức hộ nghèo."