Trung Quốc thành “cứ điểm” xe điện, Việt Nam vẫn loay hoay nội địa hoá ô tô

(Dân trí) - Không còn là thoả ước hay các hợp đồng đàm phán giữa các bên nữa, mới đây hãng ô tô Volvo (xe Thụy Điển) do Trung Quốc sở hữu đã chính thức tuyên bố chỉ sản xuất xe điện tại Trung Quốc năm 2019. Trước đó, hãng xe điện nổi tiếng thế giới Tesla (Mỹ) cũng đang đàm phán để sản xuất xe điện tại Trung Quốc.

Từ năm 2013, hãng xe Renault (Pháp) đã có kế hoạch sản xuất xe điện tại Trung Quốc, với việc lập một liên doanh với tập đoàn xe tải Đông Phong (Trung Quốc). Tháng 11 năm 2016 liên doanh giữa Đông Phong và Renault (Pháp) đi vào hoạt động và cuối năm ngoái họ đã tiến hành thử nghiệm xe điện thương hiệu Renault Zoe trên đường phố Trung Quốc thành công. Dự kiến năm 2017, liên doanh này chính thức xuất xưởng xe điện tại Trung Quốc.

Trung Quốc đang trên đường trở thành cứ điểm sản xuất xe điện của thế giới (ảnh minh hoạ)
Trung Quốc đang trên đường trở thành cứ điểm sản xuất xe điện của thế giới (ảnh minh hoạ)

Trung Quốc trên đường thành cứ điểm xe điện

Đáng chú ý hơn, tháng 6/2017, hãng xe sang Volvo thương hiệu Thụy Điển thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Zhejiang Geely Holding Group (Trung Quốc) - đơn vị sở hữu thương hiệu xe Geely và mới đây mới thâu tóm hơn 49% cổ phần hãng xe nội địa Proton (Malaysia) cũng lên kế hoạch từ năm 2019 trở đi sẽ chỉ sản xuất xe có động cơ điện.

Với tuyên bố của Volvo, hãng xe sang này trở thành nhà sản xuất ô tô truyền thống đầu tiên trên thế giới tại Trung Quốc đoạn tuyệt với xe hơi chạy động cơ và hoàn toàn đi theo hướng sản xuất xe điện và xe Hybrid. Theo tuyên bố của Volvo, từ năm 2019 đến 2021, hãng này sẽ tung ra thị trường xe điện hoàn chỉnh.

Hiện Trung Quốc là một trong những nước tiêu thụ xe điện lớn nhất thế giới sau Mỹ, Nauy, Thụy Điển... Lý do của việc người dân sử dụng xe điện là Chính phủ Trung Quốc ưu tiên giảm thuế, ưu đãi các nhà sản xuất xe điện đầu tư, mở rộng sản xuất để người dân sử dụng xe điện nhiều hơn, nhằm giảm tác động đến khí phát thải ở các đô thị lớn.

Theo Đại học Duisberg-Essen (Đức), trong số hơn 870.000 chiếc xe điện và xe Hybrid bán ra thế giới năm 2016, Trung Quốc chiếm hơn 500.000 xe (chiếm gần 60% lượng tiêu thụ).

Còn nếu tính theo quốc gia sản xuất, sau nhiều năm phát triển hiện Trung Quốc là nước có sản lượng xe hơi lớn nhất thế giới. Nơi đây có sự hiện diện hầu hết các tập đoàn sản xuất xe động cơ truyền thông của Nhật, Mỹ, Hàn, Đức, Pháp, Ý hay Anh...

Với chiến lược ưu đãi thuế lớn cho xe điện, chính phủ Trung Quốc tin tưởng rằng trong năm 2020 nước này sẽ có khoảng 5 triệu chiếc xe điện chạy trên đường phố.

Theo Đại học Đức, một đặc điểm đáng lưu ý trong chính sách của là Trung Quốc đều xây dựng các liên doanh sản xuất xe điện cho mình. Hiện hầu hết các hãng xe điện cỡ nhỏ đều do Trung Quốc trực tiếp sản xuất và sử dụng trong lĩnh vực du lịch, lữ hành... Trung Quốc hiện có khoảng 200 công ty trong và ngoài nước tuyên bố sẽ phát triển xe điện, trong đó đội ngũ công ty đủ cung ứng linh kiện, thiết bị phụ trợ cho xe điện rất phong phú.

Việt Nam vật lộn với bài toán nội địa hóa ô tô

Chính vì có số lượng các nhà sản xuất phụ trợ xe điện nên Trung Quốc luôn có chiến lược liên doanh với các hãng xe điện nước ngoài lập cơ sở sản xuất tại nước này. Minh chứng là trường hợp của Renault và Volvo đã lần lượt chọn Trung Quốc là cơ sở sản xuất xe điện hay việc gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent quyết định chi 1,8 tỷ USD mua 5% cổ phần Tesla cũng đều có mục đích kéo xe điện về với Trung Quốc.

Và hệ quả, tháng 5/2017 đại gia xe điện và xe tự lái Mỹ, Tesla đã quyết định đàm phán để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp xe điện ở Thượng Hải, một bước đi cho thấy triết lý "win" - "win" (hai bên cùng thắng) của Trung Quốc trong chiến lược phát triển xe điện.

Cùng với các "tay to" như Geely, Tencent hay nhiều tập đoàn ô tô khác, Trung Quốc đang hướng đến bắt tay với các nhà sản xuất xe điện lớn của thế giới với kỳ vọng không chỉ phát triển xe điện cung ứng cho thị trường hơn 1,4 tỷ người mà còn là cơ hội để xe điện thương hiệu Mỹ, Thụy Điển, Pháp sản xuất tại Trung Quốc đi khắp thế giới.

Còn đối với Việt Nam thì sao? Sau 20 năm dòng nỗ lực phát triển, Việt Nam hiện vẫn chưa có ngành công nghiệp xe hơi hoàn chỉnh. Tỷ lệ nội địa hóa của ngành ô to Việt Nam rất thấp khi Việt Nam không có nhiều DN phụ trợ được đầu tư xây dựng.

Đi cùng với mức thuế phí cao để bảo hộ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, các liên doanh trong nước vẫn vật lộn với câu chuyện nội địa hoá, câu chuyện về thuế và chính sách phát triển sau khi thuế nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc từ ASEAN được xóa bỏ năm 2018.

Về xe điện, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) năm 2016 sửa đổi và hoàn thiện được Quốc hội ban hành và Nghị định 108 (năm 2015) của Chính phủ quy định rõ mức ưu đãi giảm thuế 20% so với mức thuế TTĐB đối với xe thông thường với xe điện.

Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan chức năng vẫn đang tranh cãi trong phân biệt xe chạy điện thuần túy và xe lai điện xăng (Hybrid) để được ưu đãi. Chính vì thế, dù có chính sách nhưng trong thời gian dài chỉ vài chiếc xe điện được tiêu thụ tại Việt Nam.

Nguyễn Tuyền