Trung Quốc, Thái Lan thay nhau "đạo diễn" thị trường rau quả Việt
(Dân trí) - 7 tháng đầu năm 2017, trong khi Trung Quốc là điểm đến của gần 80% kim ngạch rau quả xuất khẩu của Việt Nam, thì Thái Lan lại là nơi cung cấp hơn 60% rau quả cho Việt Nam. Hiện nay, có tình trạng Thái Lan và Trung Quốc thay nhau điều tiết, đạo diễn thị trường rau quả xuất - nhập khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2017, Việt Nam chi hơn 850 triệu USD nhập khẩu rau quả, trong đó Thái Lan là 516 triệu USD (chiếm 61%), Trung Quốc là 133 triệu USD (chiếm hơn 15,6%). Hai thị trường Trung Quốc và Thái Lan cung cấp hơn 76% rau quả nhập khẩu cho Việt Nam. Tính trung bình, mỗi ngày Việt Nam chi hơn 92 tỷ đồng nhập rau quả, riêng Thái Lan là hơn 56 tỷ đồng.
Về rau quả xuất khẩu, tính hết 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt hơn 2 tỷ USD, trong đó xuất sang Trung Quốc đạt gần 1,54 tỷ USD, chiếm hơn 77% tổng kim ngạch xuất khẩu, Thái Lan chiếm hơn 23 triệu USD, chiếm 2%.
Ngoài ra, thị trường rau quả xuất khẩu của Việt Nam còn hướng đến Nhật Bản, Hàn Quốc và khối nước trong ASEAN khác.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam thời gian qua tăng nhanh, từ năm 2014 đạt 1,5 tỷ USD, đến năm 2015 đạt 1,8 tỷ USD đến năm 2016 đạt hơn 2,4 tỷ USD. Tuy nhiên, điều đáng nói là xuất khẩu rau quả Việt Nam gia tăng chủ yếu là từ thị trường Trung Quốc, cụ thể năm 2014 Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu rau quả hơn 430 triệu USD, đến năm 2015 đã tăng lên 1,2 tỷ USD và năm 2016 là 1,7 tỷ USD.
Tỷ lệ xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam 4 năm trở lại đây đã tăng từ 30% lên 60% và hiện nay là gần 80%.
Việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong những năm gần đây khiến Việt Nam luôn gặp khó trong xuất khẩu nhiều loại nông sản có tính thời vụ. Do phần lớn các loại rau quả của Việt Nam xuất sang Trung Quốc là diện tiểu ngạch (buôn bán thương nhân hai nước) do đó khi được mùa rau quả Việt Nam xuất sang Trung Quốc lại rớt giá.
Minh chứng là trong 2 năm 2016 - 2017, Việt Nam đã 3 lần phải giải cứu thanh long, chuối và dưa hấu vì quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc do cung lớn hơn cầu, giá thành giảm mạnh. Không chỉ rau quả, Việt Nam còn phải giải cứu cả thịt lợn, cá sấu vì giá giảm nhanh, phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.
Đối với rau quả nhập khẩu, hiện ngoài những đơn hàng nhập khẩu diện chính ngạch từ Thái Lan và Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc về Việt Nam, còn có mặt hàng không nhỏ rau quả nhập khẩu lậu từ Trung Quốc về Việt Nam, đây là lượng hàng rất lớn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và giá cả thị trường rau quả trong nước.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia), 6 tháng đầu năm 2017, số vụ buôn lậu, gian lận thương mại từ biên giới Trung Quốc về Việt Nam tiếp tục gia tăng. Dự báo, quý 3 và quý 4 sắp tới khi rau vụ thu đông vào thời điểm thu hoạch, lượng rau nhập lậu diện tiểu ngạch sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến chất lượng rau quả trong nước.
Nguyễn Tuyền