1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Giá trị xuất khẩu rau quả tiếp tục "vượt mặt" lúa gạo, dầu thô

(Dân trí) - Tính đến ngày 15/5, xuất khẩu rau quả tiếp tục đạt thành tích ấn tượng khi kim ngạch đạt gần 1,2 tỷ USD. Thành tích này đã đưa rau quả trở thành mặt hàng xuất khẩu chiến lược của nông nghiệp Việt Nam, vượt qua cả các mặt hàng xuất khẩu nhiều tỷ USD khác như dầu thô, than đá, lúa gạo.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/5/2017, cả nước xuất khẩu được 1,2 tỷ USD rau quả, kim ngạch tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước và gần bằng 1/2 so với kim ngạch xuất khẩu rau quả của năm 2016.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam tiếp tục đem về giá trị lớn hơn các mặt hàng dầu thô, gạo (ảnh minh hoạ)
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam tiếp tục đem về giá trị lớn hơn các mặt hàng dầu thô, gạo (ảnh minh hoạ)

Đặc biệt, so với các mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam như dầu thô, than đá, lúa gạo, mặt hàng rau quả tiếp tục có kim ngạch xuất khẩu lớn hơn nhiều. Cụ thể, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu dầu thô 2,3 triệu tấn, chỉ đem về hơn 940 triệu USD, gạo xuất khẩu được hơn 2 triệu tấn, chỉ đem về hơn 910 triệu USD, kim ngạch kém xa so với mặt hàng rau quả.

Điều đáng nói, thành tích xuất khẩu rau quả có viễn cảnh rất sáng khi năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, tính đến ngày 15/5/2014, xuất khẩu rau quả chỉ đem về hơn 430 triệu USD, cùng kỳ năm 2015 đã tăng lên 560 triệu USD, cùng kỳ tháng 5 năm 2016, xuất khẩu rau quả đạt hơn 870 triệu USD và trong năm 2017, thành tích xuất khẩu rau quả tốt nhất là 1,2 tỷ USD. Thành tích này sánh ngang với kim ngạch xuất khẩu của cà phê, bằng 50% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản, tương đương với mặt hàng sơ sợi và vải nguyên liệu xuất khẩu.

Trong khi đó, các mặt hàng như dầu thô, gạo, than đá và khoáng sản của Việt Nam cùng thời gian luôn giảm giá trị, dù lượng xuất khẩu vẫn giữ vững. Đối với dầu thô, lúa gạo dù vẫn khai thác, xuất khẩu với số lượng tương ứng so với các năm trước, nhưng giá trị xuất khẩu đã giảm mạnh.

Cụ thể, theo dẫn chứng của Tổng cục Hải quan, đến ngày 15/5/2017, xuất khẩu dầu thô đạt hơn 2,3 triệu tấn, kim ngạch đạt hơn 940 triệu USD, tăng hơn 150 triệu USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dầu thô đã giảm hơn 550 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2014, kim ngạch đã giảm hơn 1,5 tỷ USD.

Mặt hàng gạo xuất khẩu cũng vậy, dù xuất khẩu kim ngạch tương đương cùng kỳ các năm trước là 2 triệu tấn, nhưng kim ngạch đã giảm từ 1 tỷ USD năm 2014, 950 triệu USD năm 2016 xuống chỉ còn hơn 910 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2017. Như vậy, có thể nói, giá trị xuất khẩu hạt gạo của Việt Nam ngày càng giảm dù lượng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tương đương như các năm trước.

Tuy nhiên, hiện mặt hàng rau quả của Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo Tổng cục Hải quan, tính hết 4 tháng đầu năm 2017, rau quả xuất sang Trung Quốc đạt 760 triệu USD (chiếm trên 70%) lượng xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam và các chuyên gia kinh tế, thị trường Trung Quốc dễ tính, có nhu cầu cao và hấp thụ nhiều loại mặt hàng nông, lâm thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là thị trường có rủi ro lớn vì nhập khẩu tiểu ngạch, lượng và giá nhập luôn thất thường. Thị trường không có yêu cầu về chất lượng, kiểm định quy chuẩn nên nếu phụ thuộc lâu dài, hàng Việt khó nâng chuẩn về thương hiệu, chất lượng, bao bì mẫu mã để xuất khẩu sang các thị trường khác có tiềm năng hơn.

Phụ thuộc xuất khẩu sang Trung Quốc quá lớn trong khi các thị trường tiềm năng như Mỹ, ÚC, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... những nước đã xóa bỏ và hạ mức tối thiểu thuế quan đối với rau quả Việt lại chỉ chia nhau gần 30% giá trị còn lại.

Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề không phải thị trường các nước không có nhu cầu mà do chất lượng, mẫu mã và bao bì của rau quả Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của những thị trường rộng lớn, trị giá hàng tỷ USD này.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm