Trung Quốc tăng tốc "tung tiền" mua các công ty, bất động sản ở Mỹ

(Dân trí) - Hiện nhiều tập đoàn đầu tư của Trung Quốc tăng cường mua bán các công ty, doanh nghiệp nợ ở Mỹ và nhiều nước EU trong các lĩnh vực cốt yếu như: Ngân hàng tài chính, bất động sản, công nghệ hay thực phẩm.

Theo nguồn dữ liệu của tập đoàn Jones Lang LaSalle (JLL) có chi nhánh tại Việt Nam cho hay, thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A), Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nhà đầu tư bất động sản xuyên quốc gia lớn nhất thế giới trong quý III năm nay. Tổng vốn đầu tư trong 9 tháng đầu năm đã hơn vốn đầu tư kỷ lục của năm 2015.

Theo đó, các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc là các doanh nghiệp Nhà nước, các công ty bảo hiểm và các quỹ đầu tư quốc gia đã đầu tư gần 18 tỷ USD vào bất động sản thương mại nước ngoài trong ba quý đầu năm nay, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Địa điểm đầu tư ưa thích của họ là Hoa Kỳ và Hong Kong (Trung Quốc).


Trung Quốc năm 2016 đã chi rất nhiều tiền cho các thương vụ M&A nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ.

Trung Quốc năm 2016 đã chi rất nhiều tiền cho các thương vụ M&A nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ.

Ông David Green Morgan, Giám đốc nghiên cứu thị trường vốn toàn cầu của JLL nói: “Hiện tại Trung Quốc đã vượt qua Đức và Mỹ để chính thức trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất và có thể sẽ tiếp tục nắm giữ vị trí này trong những năm tới. Nguồn vốn nền tại Trung Quốc là rất lớn và họ chỉ mới bắt đầu đầu tư vào bất động sản cũng như đang tìm kiếm những cơ hội trên toàn cầu”.

Hiện JLL ước tính, các công ty bảo hiểm Trung Quốc có thể đầu tư 250 tỷ USD trực tiếp vào bất động sản, dựa trên vốn đầu tư đang quản lý của các công ty này.

“Vốn đầu tư của Trung Quốc vào bất động sản thương mại và nhà ở trong những tháng gần đây tập trung vào một trong hai xu hướng chính: Tìm kiếm sự ổn định hoặc tìm kiếm cơ hội”, ông Darren Xia, Giám đốc bộ phận Vốn Quốc tế tại JLL cho biết.

Hiện dòng vốn bất động sản của Trung Quốc đầu tư vào Hong Kong được xem là một trung tâm đầu tư quan trọng trong và ngoài Trung Quốc và dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 16.959 triệu đô la Hong Kong (HKD) vào tài sản thương mại tại Hong Kong tính từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay.

Hiện nhiều tập đoàn đầu tư của Trung Quốc tăng cường mua bán các công ty, doanh nghiệp nợ ở Mỹ và nhiều nước EU trong các lĩnh vực cốt yếu như: Ngân hàng tài chính, bất động sản, công nghệ hay thực phẩm.

Trung Quốc năm 2016 đã chi rất nhiều tiền cho các thương vụ M&A nước ngoài, điển hình là ở Mỹ, giới tài phiệt Trung Quốc sở hữu khách sạn Waldorf Astoria ở New York, hãng phim làm ra Jurassic World, câu lạc bộ bóng đá Inter Milan, xe Volvo và rất nhiều công ty khác nữa. Hãng hóa chất China National Chemical còn đề xuất mua công ty sản xuất thuốc trừ sâu Thụy Sĩ - Syngenta với giá kỷ lục 43 tỷ USD.

Theo JLL, đáng chú ý là thương vụ mua dự án U.S. Strategic Hotels & Resorts của Tập đoàn bảo hiểm Anbang từ Blackstone với giá gần 6,5 tỷ USD và Tập đoàn Chung Kei mua lại Tòa tháp One Harbourgate East với giá khoảng 580 triệu USD.

Một tình tiết đáng chú ý, ngay trong chiến dịch tranh cử và đến thời điểm đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Donal Trump đã tuyên bố sẽ ngăn chặn giới tài phiệt Trung Quốc mua lại các công ty, công ăn việc làm của người Mỹ. "Họ đã lấy tiền của chúng ta. Lấy công việc của chúng ta", ông Donal Trump nói.

Tốc độ, đà mua sắm kiểu "tour mua sắm" mà Trung Quốc đã và đang thực hiện khiến nhiều nước phương Tây tỏ ra lo ngại cho việc ảnh hưởng của Trung Quốc trong việc xác lập vị thế của nước này. Đáng nói điều này đang được ủng hộ bởi dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đang lớn nhất thế giới và nước này đã và đang tăng cường lập và nắm giữ một số định chế tài chính đa phương lớn thế giới.

Nguyễn Tuyền