Trung Quốc: Nhiều dầu ăn pha dầu cọ độc hại

(Dân trí) - Nhiều loại dầu ăn tại Trung Quốc gắn mác dầu đậu nành, dầu ô liu nhưng thực chất chỉ chứa khoảng 5% sản phẩm như quảng cáo, còn lại đều bị pha trộn bởi dầu cọ rẻ tiền, dùng lâu có thể gây ra bệnh tim mạch và não.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Thông tin được đăng tải trên tờ 21st Century Business Herald có trụ sở tại thành phố Quảng Châu. Theo đó nhiều loại dầu ăn gắn mác dầu đậu nành, đậu phộng hay dầu ô liu lại chứa một lượng lớn dầu cọ rẻ tiền. Các nhà sản xuất đến nay tiếp tục từ chối công bố tỉ lệ các loại dầu khác trong sản phẩm của mình với tuyên bố việc đó sẽ khiến họ giảm tỉ lệ lợi nhuận.

Theo điều tra của tờ báo này, một chai dầu đậu phộng pha trộn có thể chỉ chứa chưa tới 5% dầu đậu phộng, còn một chai dầu ô liu thực chất có thể chỉ có một giọt dầu ô liu nguyên chất. Lối kinh doanh này đã bị người tiêu dùng Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ nhưng các nhà sản xuất dầu ăn luôn tuyên bố công thức pha trộn của mình là bí mật thương mại, và tiếp tục che giấu sự thật về hàm lượng các dầu khác bị pha trộn trong sản phẩm của mình.

Nhiều người đặc biệt lo ngại về lượng dầu cọ có trong loại dầu ăn pha trộn của mình, bởi dầu cọ có một tỉ lệ cao chất béo bão hòa, trong một số trường hợp lên tới 50%. Một nguồn tin cho biết dầu cọ có chất lượng thấp sẽ đông đặc lại và trở thành một cục màu trắng khi bảo quản ở nhiệt độ thấp. Những ai ăn dầu cọ trong thời gian dài có thể mắc các bệnh tim mạch và não.

Công ty bảo quản hạt cây trồng Trung Quốc (Sinograin), một công ty quốc doanh có sở hữu một nhà máy chế biến dầu ăn và hạt cho biết, các loại dầu ăn pha tạp trên thị trường nước này có chứa chưa tới 10% loại dầu ăn như công bố trên nhãn.

Wang Qinrong, tổng giám đốc Sinograin cho biết, các nhà sản xuất dầu ăn từ chối tiết lộ công thức của mình bởi nó sẽ làm lộ ra chi phí của họ, và khiến họ không thể quảng bá các loại dầu ăn của mình là sản phẩm mới.

Mặc dù nhãn mác các sản phẩm dầu ăn này không nêu cụ thể tỉ lệ phần trăm các loại dầu khác có chứa trong đó, có thể lần ra được thông tin này thông qua thứ tự được nêu trên nhãn của chai dầu, tờ 21st Century Business Herald khẳng định.

Ví dụ nhãn của một chai dầu ăn pha trộn được khẳng định là dầu cá cho thấy thành phần có dầu đậu nành, dầu cây cải dầu, dầu đậu phộng, dầu cá, dầu vừng và phụ gia thực phẩm. Thứ tự này cho thấy dầu cá chiếm ít hơn 25% thành phần chai dầu.

Do dầu cọ sẽ đóng thành tảng trong chai khi trời lạnh, các công ty thường tránh bán sản phẩm này cho các khu vực có thời tiết lạnh, mà thường đưa tới các tỉnh miền Nam Trung Quốc. Nguồn tin này cũng cho biết thêm rằng, việc dùng dầu cọ giúp giảm giá thành khá nhiều bởi giá loại dầu này đang giảm.

Trong khi giá dầu cọ loại 24 độ có giá 900 – 950 USD/tấn trong tháng 10 này, giá dầu đậu nành vào khoảng 1100 USD/tấn, trong khi dầu chiết xuất từ cây cải dầu lên tới 1500 USD/tấn.

Thanh Tùng
Theo Want China Times