Trung Quốc đóng tài khoản ngân hàng ngoại thương Triều Tiên

(Dân trí) - Trung Quốc hôm qua đã tiếp tục cho thấy những động thái xiết chặt kiểm soát giao dịch thương mại với Triều Tiên khi tuyên bố đóng tài khoản và dừng mọi giao dịch của ngân hàng ngoại thương Triều Tiên.

Theo Reuters, quyết định trên đã được Bank of China, một trong bốn ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc và là ngân hàng lớn nhất về hoạt động ngoại hối của nước này đưa ra.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Thông báo của Bank of China chỉ nêu ngắn gọn việc dừng các giao dịch với ngân hàng ngoại thương Triều Tiên, và đóng tài khoản của ngân hàng này tại Bank of China mà không đưa ra lí do cụ thể.

Việc dừng quan hệ giao dịch này là động thái đáng kể được công bố công khai đầu tiên của một tổ chức tại Trung Quốc, nhằm giảm giao dịch với Triều Tiên trong bối cảnh áp lực quốc tế yêu cầu trừng phạt Bình Nhưỡng ngày càng tăng do vi phạm lệnh cấm tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân.

“Tôi cho rằng đây là một hành động rất đáng chú ý”, Zhang Liangui, một chuyên gia về vấn đề Triều Tiên tại trường đảng trung ương của Trung Quốc nói. Ông Zhang cho rằng có lẽ Bank of China đã lo ngại về danh tiếng của mình nên đã quyết định đóng tài khoản. “Với hành động này, tôi cho rằng đã có những cân nhắc về chính trị cũng như những tính toán về lợi ích của chính họ”.

Trước đó, Mỹ đã có lệnh cấm tất cả các cá nhân và tổ chức của nước mình giao dịch với ngân hàng ngoại thương Triều Tiên. Nhật Bản cũng có quyết định tương tự và Australia có thể sẽ là nước tiếp theo ban bố lệnh cấm.

Washington cũng đã hối thúc EU áp đặt các lệnh cấm vận với ngân hàng ngoại thương Triều Tiên đồng thời đề nghị Trung Quốc cân nhắc việc này. Tuy nhiên Bắc Kinh chưa có bình luận công khai nào về ngân hàng này.

“Chúng tôi vui mừng trước thông tin các ngân hàng trên toàn thế giới, trong đó có Bank of China, đã thông báo việc đóng tài khoản của ngân hàng ngoại thương Triều Tiên”, một lãnh đạo của Bộ Tài chính Mỹ khẳng định. Vị này cũng nói thêm rằng ngân hàng trên đã tiến hành các giao dịch trị giá hàng triệu USD cho các tổ chức buôn bán vũ khí của Triều Tiên.

Trong chuyến công du tới Bắc Kinh hồi tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã thảo luận với các quan chức Trung Quốc về vấn đề trên, nguồn tin này cho biết.

Các chuyên gia nhận định hành động của Washington là nhằm khiến các ngân hàng nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Mỹ phải cân nhắc kỹ lưỡng khi giao dịch với ngân hàng ngoại thương Triều Tiên, tương tự như cách các ngân hàng đã lo ngại vì có mối quan hệ với các định chế tài chính bị cấm vận của Iran.

Trong số các ngân hàng lớn khác của Trung Quốc, một người phát ngôn của ngân hàng kiến thiết Trung Quốc (China Construction Bank) khẳng định không có bất kỳ giao dịch nào với ngân hàng ngoại thương Triều Tiên. Ngân hàng công thương Trung Quốc và ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc thì chưa có bình luận gì.

Bí mật quốc gia

Hiện không có nhiều thông tin về ngân hàng ngoại thương Triều Tiên được tiết lộ bởi tài sản và các khoản đầu tư của ngân hàng này đều bị Bình Nhưỡng xếp vào hàng bí mật quốc gia. Tuy nhiên các đại sứ quán nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ và cơ quan của Liên Hợp Quốc tại Bình Nhưỡng đều giao dịch qua ngân hàng này.

Trước khi quyết định trên được Bank of China đưa ra, các ngân hàng Trung Quốc đã được ngân hàng trung ương nước này yêu cầu xếp hạng rủi ro khách hàng trên thang điểm từ 1 đến 5, để ngăn chặn hoạt động rửa tiền và giao dịch gian lận ước tính có quy mô hàng tỷ USD mỗi năm.

Quy định mới này được ban hành trong bối cảnh Trung Quốc bị xem như nguồn cung cấp “tiền bẩn” lớn nhất thế giới, còn cộng đồng quốc tế yêu cầu Bắc Kinh phải kiểm tra kỹ các mỗi liên hệ tài chính với Triều Tiên để chặn các giao dịch chuyển tiền có liên quan đến tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Hồi tháng 3, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc từng đưa tin Bắc Kinh cảnh báo các ngân hàng Triều Tiên tuân thủ quy định về giới hạn hoạt động tại Trung Quốc nếu không sẽ bị phạt.

Trung Quốc khẳng định họ muốn các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc được thực thi, tuy nhiên rất ít nhà phân tích tin rằng Bắc Kinh sẽ có hành động gây tổn hại cho Triều Tiên bởi nước này vẫn duy trì chính sách quan hệ chặt chẽ với Bình Nhưỡng.

Thanh Tùng
Theo Reuters