Trong 3 năm xử lý được hơn 98% nợ xấu!

(Dân trí) - Từ 2012 đến tháng 9/2015 đã có 456.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý, trong đó, 42% nợ xấu được bán cho VAMC, còn lại do các ngân hàng tự xử lý. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 chỉ còn 2,93%.

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cung cấp cho các đại biểu Quốc hội, từ 2012 đến tháng 9/2015, 98,09% nợ xấu tương đương 455.790 tỷ đồng đã được xử lý.

Trong đó, bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản (VAMC) chỉ chiếm 42% và các biện pháp tự xử lý khác chiếm 58%. Nợ xấu đã được kiềm chế, đưa tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9/2015 về mức 2,93% tổng dư nợ.

Cũng theo ghi nhận của NHNN, trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực trích lập dự phòng rủi ro, kiểm soát cho phí và dành mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu.

Đến cuối tháng 9/2015, dự phòng rủi ro đối với nợ xấu của các TCTD là 84,8 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm 14,7 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro đã trích lập cho trái phiếu đặc biệt).

Số nợ xấu mà VAMC thu hồi được chỉ chiếm 7,8% so với giá trị mua vào
Số nợ xấu mà VAMC thu hồi được chỉ chiếm 7,8% so với giá trị mua vào

“Nợ xấu được xử lý trong thời gian qua chủ yếu bằng các biện pháp và chi phí của ngành ngân hàng, khẳng định nhất quán chủ trương không sử dụng tiền ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu” – báo cáo này cho hay.

Kết quả xử lý nợ xấu đã góp phần quan trọng đưa lãi suất cho vay giảm mạnh, hiện nay chỉ bằng khoảng 40% mức lãi suất cho vay cuối năm 2011 và thấp hơn lãi suất cho vay giai đoạn 2005-2006.

Tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh dần liên tục từ năm 2012 đến nay (năm 2012 tăng 8,85%; năm 2013 tăng 12,52%; năm 2014 tăng 14,16%; 9 tháng đầu năm 2015 tăng 12,09% và dự kiến cả năm 2015 tăng 16-17%), tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh ưu tiên của nền kinh tế.

Đồng thời, việc triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu góp phần cải thiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng, trong đó tỷ lệ dư nợ tín dụng trên huy động vốn giảm dần qua các năm (từ 103,7% năm 2011 xuống còn 88,56% thời điểm tháng 9/2015); tỷ lệ vốn khả dụng trên huy động ổn định ở mức 20%.

Liên quan đến VAMC, NHNN cho biết, đây là công cụ đặc biệt của Nhà nước, được thiết kế theo mô hình xử lý nợ xấu tập trung và giảm thiểu rủi ro, chi phí cho TCTD, doanh nghiệp, ngân sách nhà nước trong xử lý nợ xấu.

Từ khi đi vào hoạt động (7/2013) đến 30/9/2015, VAMC đã mua được 191.000 tỷ đồng của 39 TCTD với số lượng 15.257 khách hàng vay và 23.206 khoản nợ.

VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ được 14.846 tỷ đồng (chiếm tỉ lệ 7,8% so với số nợ mua vào), trong đó thu hồi nợ từ khách hàng vay là 10.949 tỷ đồng, bán nợ là 2.789 tỷ đồng, bán tài sản bảo đảm là 1.108 tỷ đồng.

NHNN cũng khẳng định, không còn phải tái cấp vốn cho mục đích hỗ trợ chi trả các TCTD; chất lượng danh mục tài sản được cải thiện; nguy cơ đổ vỡ hệ thống được giảm dần và tạo điều kiện cho các TCTD lành mạnh hoá tài chính, cơ cấu lại hoạt động và phát triển an toàn, hiệu quả hơn.

Với chính sách, phương pháp phân loại nợ mới và biện pháp kiểm soát nợ xấu chặt chẽ, NHNN cũng cho biết, từ Quý I/2015 nợ xấu được minh bạch và chấm dứt sự tồn tại của nhiều con số nợ xấu.

Bích Diệp

Trong 3 năm xử lý được hơn 98% nợ xấu! - 2