Triều Tiên và câu hỏi “6.000 tỉ USD”
Triều Tiên hiện sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, từ vàng, kẽm, magnet,… đến kim loại đất hiếm, ước tính trị giá đến 6.000 tỉ USD.
Quan hệ thương mại liên Triều sụp đổ sau “Biện pháp 24.5”
Khu kinh tế Rason của Triều Tiên gần đây khá nhộn nhịp với nhiều hoạt động thương mại.
Sự cố tàu ngầm Triều Tiên đụng chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc vào tháng 5.2010 là bước ngoặt trong thương mại hai nước. Sau sự cố, chính phủ Lee Myung-bak thực hiện cái gọi là “những biện pháp ngày 24.5” cấm đầu tư vào Triều Tiên, ngoại trừ khu liên hợp công nghiệp Kaesong.
Những biện pháp trừng phạt nói chung không thay đổi phản ứng của Triều Tiên, nhưng gây thiệt hại nhiều hơn cho các công ty Hàn Quốc đang làm ăn với miền Bắc.
Theo Bộ Thống nhất của Hàn Quốc, 319 công ty Hàn Quốc đã dừng kinh doanh kể từ Lee Myung-bak nắm quyền, khoảng 800 công ty còn lại đang trên bờ vực phá sản.
Các mỏ của Hàn Quốc đã cạn và nước này mong tiếp cận khu vực khai khoáng của phía Bắc, nhất là kim loại đất hiếm. Nhưng trong khi hai nước Nam Bắc cãi vã, Trung Quốc lo vơ vét nguồn tài nguyên của bán đảo Triều Tiên với cái giá thấp hơn giá trị thực nhiều.
Theo một bài xã luận trên tờ Korea Times, “Trung Quốc đã mua tay trên gần phân nửa khoáng sản trị giá 6000 tỉ USD của Triều Tiên, mà lẽ ra là phải dành cho Hàn Quốc.” Có một số dự án phát triển khai khoáng liên Triều dưới thời chính phủ Kim Dae-Jung và Roh Moo-hyun, nhưng những dự án này kết thúc cùng với sự tan vỡ quan hệ liên Triều.
Trung Quốc “ngư ông hưởng lợi”
Giảm trao đổi thương mại với miền Nam đã đẩy Triều Tiên đến gần Trung Quốc hơn, nhất là khi Trung Quốc đang đều đặn mở rộng các hoạt động thương mại và chế biến ở miền Bắc. Hai nước gần đây thông báo là phát triển hai đặc khu kinh tế mới, sau khi mở rộng khu vực Rason ở phía bắc.
Theo một báo cáo ngày 30/5 của Tập đoàn Thúc đẩy Thương mại Triều Tiên, vào năm 2011, 89% hoạt động thương mại Triều Tiên với đối tác Trung Quốc, tăng từ 48,5% của năm 2004, trong khi Hàn Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Triều Tiên, sau đó là Nga.
Trung Quốc đang sản xuất hơn 95% nhu cầu đất hiếm thế giới. Sự thống trị thị trường khoáng sản này của Trung Quốc có ý nghĩa lớn ở Đông Bắc Á. Năm 2010, Trung Quốc ngừng xuất khẩu khoáng sản sang Tokyo sau một tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Gần đây, EU, Mỹ và Nhật kiện Trung Quốc ra WTO vì tăng giá đất hiếm trái luật.
Trung Quốc hiện chiếm thị phần lớn nhất trong lĩnh vực khoáng sản Triều Tiên, và chi phí ít ỏi để Trung Quốc có được nguồn lợi lớn lao này phản ánh tình hình thiếu cạnh tranh. Phần lớn đầu tư là từ các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ ở miền Đông Bắc Trung Quốc, những doanh nghiệp này đang tìm cách tăng tối đa vị thế kinh tế, nhưng hoạt động đầu tư vào một nước “cô lập” như Triều Tiên gần như là không thể, nếu không có mối quan hệ đặc biệt giữa Trung Quốc và Triều Tiên, và vai trò của một tầng lớp trung lưu người gốc Hoa ở Triều Tiên có liên hệ với cả hai bờ sông Yalu và có thể dàn xếp cho các giao dịch kinh doanh.
Điều quan trọng cần ghi nhận là Trung Quốc nhập khoáng sản Triều Tiên với giá thấp hơn nhiều so với những nước khác, trong khi hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Triều Tiên có giá cao hơn nhiều so với xuất khẩu sang các nước khác. Những chênh lệch bất hợp lý này phản ánh cái giá thực của việc làm ăn ở Triều Tiên, khi phải đầu tư để phục hồi hầm mỏ và cơ sở hạ tầng cho hoạt động vận chuyển, cũng như những rủi ro khác.
Khó khăn môi trường kinh doanh Triều Tiên
Phát triển khoáng sản nói chung là một công việc nhiều thế hệ. Các công ty đầu tư với một kế hoạch phát triển một địa điểm, làm việc tại đó trong nhiều năm, và rồi dừng các hoạt động. Điều này có nghĩa là các công ty muốn đầu tư khai khoáng ở Triều Tiên đang đánh cược là Triều Tiên vẫn tận tâm với loại đầu tư này trong suốt dự án, điều không hề chắc chắn do môi trường lịch sử của Triều Tiên đối với đầu tư nước ngoài. Một rủi ro khác là các công ty làm ăn với Triều Tiên phải tuân theo các lệnh trừng phạt cấp nhà nước hay của UN. Một trong ba công ty bị UN trừng phạt vào tháng 5.2012 là Tập đoàn Green Pine Associated do dính líu vào các dự án phát triển khoáng sản.
Các nhà đầu tư cũng sẽ phải đối phó với ít hay không minh bạch trong hợp tác kinh doanh. Trong phần lớn trường hợp, các nhà đầu tư làm việc với người môi giới Triều Tiên và việc tiếp cận địa điểm đầu tư sẽ bị hạn chế. Hoạt động tuyển dụng nhân công có khó khăn, do Triều Tiên thường sử dụng tù nhân từ các trại giáo hóa vào khu vực khai khoáng và một công ty có thể bị kiện là cưỡng ép nhân công ở Triều Tiên.
Cuối cùng, một công ty muốn khai khoáng ở Triều Tiên, trước hết phải dành quỹ nâng cấp cơ sở hạ tầng, như xây dựng đường bộ và đường xe lửa, lắp đặt máy phát điện, xây dựng hệ thống vận chuyển trong nước và ra nước ngoài để chế biến,…
Nếu Triều Tiên không giải quyết những vấn đề chính sách, không thể có một làn sóng đầu tư khai khoáng ở nước này. Nếu Triều Tiên không đổi mới kinh tế, lợi ích của những dự án không thể đến với người dân và phát triển đất nước. Không phải tài nguyên sẵn có có thể định hình sự thịnh vượng của một nước; mà chính khả năng kích cầu hiệu quả những nguồn tài nguyên này trên thị trường quốc tế là điều chủ yếu để kinh tế thành công.
Theo Võ Phương
SGTT/The Diplomat, Asia Sentinel