Vấn đề kinh tế trong tuần:
Triệu dân “nín thở” chờ chính sách mới về giá điện, giá xăng
(Dân trí) - Trong khi mặt hàng điện đang “nóng” với đề xuất một giá thì xăng dầu cũng có thể sẽ thay đổi kỳ tính giá (rút xuống 10 ngày) và sửa đổi công thức tính giá cơ sở.
Danh tính ông chủ khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, nơi khiến hàng loạt quan chức vướng lao lý
Liên quan đến vụ án tại Sabeco bán rẻ khu “đất vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) cho tư nhân, tháng 10/2016, sau khi Sabeco đã thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu tại Sabeco Pearl cho Attland thì Sabeco Pearl đã đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh. Vốn điều lệ được nâng lên gần 1.020 tỷ đồng. Ông Ngô Văn An giữ chức Chủ tịch HĐQT.
Ông An là một nhân sự lãnh đạo bộ phận phát triển dự án thuộc Công ty con Sunny World của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bên cạnh đó, nhiều công ty do ông Ngô Văn An đứng đại diện như Công ty TNHH quản lý tài sản & BĐS Alpha King, CTCP Đầu tư Golden Hill đều có trụ sở tại số 8 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
Tháng 7/2018, ông Thái Bảo Anh, ngồi ghế Chủ tịch HĐQT thay ông Ngô Văn An.
Ông Thái Bảo Anh đăng ký địa chỉ thường trú tại TP.Hà Nội nhưng là chủ sở hữu của nhiều công ty trên địa bàn TP.HCM.
Ngoài ra, ông Bảo Anh còn là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần đầu tư Mê Linh Square. Công ty này có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, trước đây cũng do ông Ngô Văn An làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT là ông Trương Thôi Chánh.
Thủ tướng đồng ý “mở cửa” đường hàng không Việt Nam - Trung Quốc
Ngoài ra, một thông tin cũng rất đáng chú ý là Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc; tần suất, điều kiện vận chuyển hành khách giữa hai nước sẽ do nhà chức trách hàng không Việt Nam và Trung Quốc thống nhất.
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan quan liên quan làm việc với các nước về tăng các chuyến bay cứu hộ; mở các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và các nước; tổ chức đón công dân Việt Nam tại các điểm trung chuyển lớn các chuyến bay quốc tế, trong đó có các điểm như Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Viêng Chăn (Lào), Phnôm Pênh (Campuchia).
"Nóng" đề xuất điện một giá: Ai hưởng lợi, ai chịu thiệt?
Trong bối cảnh đang có những tranh cãi về giá điện, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đang đẩy nhanh việc hoàn thiện sửa biểu giá điện bậc thang. Bên cạnh phương án 5 bậc thang được trình, Bộ cũng tính thêm phương án một giá để người dân lựa chọn.
Theo đó, nếu được áp dụng sẽ có song song 2 biểu giá bán lẻ, người dân có thể chọn dùng điện đồng giá hoặc biểu lũy tiến bậc thang. Tuy nhiên, nếu chọn một giá thì đương nhiên không thể thấp hơn giá điện bình quân hiện đang áp dụng là 1.864,44 đồng/kWh.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, đề xuất này sẽ đáp ứng được đòi hỏi của một số người có quan điểm: một giá đơn giản, dễ áp dụng và dễ theo dõi, thuận tiện trong việc kiểm tra, giám sát, bình đẳng đối với tất cả các khách hàng cùng mua một loại hàng của cùng một nhà cung ứng.
Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế, một giá trong điều kiện nguồn lực khan hiếm, cung không đủ cầu... sẽ khó tạo ra áp lực mạnh để thực hiện tốt chính sách khuyến khích tiêu dùng điện tiết kiệm, hiệu quả và cũng sẽ không thực hiện được chính sách an sinh xã hội đối với các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách theo quy định của Luật điện lực.
Khoảng 18,6 triệu hộ (chiếm 73,5% tổng số hộ dùng điện sinh hoạt), tiêu thụ 200kWh/tháng trở xuống (với sản lượng điện tiêu thụ chiếm 42,3% tổng lượng điện tiêu thụ) sẽ phải trả tiền điện tăng thêm từ 1,98-13% (từ 7.400 đồng - 19.000 đồng /hộ/tháng - giá chưa tính VAT) so với trả tiền điện theo giá bậc thang.
Ngược lại, có 6,75 triệu hộ còn lại (chiếm 26,6% tổng số hộ dùng điện, tiêu thụ 57,6% tổng sản lượng điện) sử dụng từ 201 kWh/ tháng trở lên sẽ được giảm tiền điện từ 0,8 - 28,79% (từ 56.500 đồng - 767.200 đồng trong dãy từ 201-1.000kWh/hộ/tháng).
Thay đổi cách tính giá xăng dầu, một mặt bằng giá mới cho toàn dân
Một trong những điểm đáng chú ý tại dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu là việc Bộ Công Thương đưa ra phương án 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu 1 lần.
Có một điểm sửa đổi quan trọng tại dự thảo lần này liên quan đến cách tính giá cơ sở xăng dầu. Công thức tính giá cơ sở xăng dầu tại dự thảo được xây dựng trên cơ sở đánh giá lại khi hiện nay, sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước là 70-75%, xăng dầu từ nhập khẩu chỉ chiếm 25-30% trong tổng lượng xăng dầu tiêu thụ nội địa.
Vì vậy, việc sửa đổi công thức tính giá cơ sở dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ hai nguồn (trong nước và nhập khẩu) để kết cấu lại một mặt bằng giá chung làm cơ sở điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Tại dự thảo này, Bộ Công Thương không đồng ý với Hiệp hội Xăng dầu về việc bỏ Quỹ bình ổn giá với lý do đây là công cụ để Nhà nước điều tiết giá bán.
Truy quét tụ điểm hàng lậu, hàng giả “khủng” do người Trung Quốc đứng đầu
Tuần vừa qua, có thêm một vụ truy quét hàng lậu đáng chú ý đó là tại cơ sở dịch vụ bưu chính Thuận Phong thuộc Công ty TNHH Một thành viên chuyển phát nhanh Thuận Phong - Chi nhánh Hà Nội.
Người đứng đầu chi nhánh là ông Fang Hong Yuan - quốc tịch Trung Quốc. Cơ sở này nằm trong khuôn viên Cảng ICD Mỹ Đình, số 17 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Lực lượng chức năng phát hiện các mặt hàng gồm: Chăn ga các loại mang nhãn Zara Home; quần áo Adidas, ấm đun nước điện, mặt nạ đắp mặt, táo sấy khô đóng hộp, cao xoa bóp, kem đánh răng, xịt khoáng, mỹ phẩm dưỡng da, dầu gội đầu, dầu xả, sữa bột, bóng đèn ô tô, xe máy, đui đèn cảm ứng, máy tập thể lực, đồ gia dụng các loại…
Ngoài ra còn có các sản phẩm tiết kiệm điện (loại thiết bị đã được cơ quan truyền thông và cơ quan chuyên môn cảnh báo là lừa dối người tiêu dùng), các loại miếng dán giảm cân, tiêu mỡ được để dời chưa đóng bao bì và có bao bì kèm theo thể hiện mã vạch và sản xuất tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Tổng số hàng hóa có số lượng trên 100.000 sản phẩm và hơn 20 bao hàng hóa đang được tiếp tục kiểm đếm.
Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, làm rõ chủ hàng cụ thể của từng lô hàng lậu, hàng có dấu hiệu giả sở hữu trí tuệ, hàng có dấu hiệu giả xuất xứ cũng như các hàng hóa không đúng với bản chất, công dụng của hàng hóa (lừa dối người tiêu dùng) và các vi phạm khác.
Mai Chi (tổng hợp)