Thay đổi cách tính giá xăng dầu, một mặt bằng giá mới cho toàn dân

Không bỏ quỹ bình ổn, 15 ngày điều chỉnh giá xăng dầu 1 lần, thay đổi cách tính giá... là những điểm đáng chú ý tại dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Có thể 10 ngày giảm giá 1 lần

Điểm c, Khoản 1, Điều 38 Nghị định 83 quy định "Thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá".

Với quy định này, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam nhiều lần cho rằng giá bán lẻ trong nước sẽ khó có thể bắt kịp những biến động của giá xăng dầu thế giới. Hiệp hội đề xuất rút ngắn tần suất điều chỉnh  xuống còn 10 ngày để giá bán lẻ trong nước ngày càng tiệm cận với giá thế giới, tránh độ trễ trong việc điều chỉnh giá.

Thay đổi cách tính giá xăng dầu, một mặt bằng giá mới cho toàn dân - 1

Một số quy định liên quan đến kinh doanh xăng dầu sẽ được sửa đổi.

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án. Phương án 1 là giữ nguyên quy định 15 ngày điều chỉnh 1 lần. Phương án 2 là 10 ngày điều chỉnh 1 lần. Đại diện Bộ Công Thương cho biết Bộ nghiêng về phương án 10 ngày điều chỉnh 1 lần.

Không bỏ giá cơ sở, chỉ thay đổi cách tính

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam từng kiến nghị xem xét bỏ giá cơ sở, không dùng giá cơ sở làm căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ như hiện nay mà chỉ là tiêu chí để doanh nghiệp tham khảo trước khi quyết định giá bán lẻ.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương không đồng tình và lý giải, do xăng dầu là mặt hàng thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời cũng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Do vậy, về nguyên tắc, giá bán xăng dầu trong nước phải thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết, quản lý của nhà nước.

Thay vào đó, có một điểm sửa đổi quan trọng tại dự thảo lần này liên quan đến cách tính giá cơ sở xăng dầu. Công thức tính giá cơ sở xăng dầu tại dự thảo được xây dựng trên cơ sở đánh giá lại khi hiện nay, sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước là 70-75%, xăng dầu từ nhập khẩu chỉ chiếm 25-30% trong tổng lượng xăng dầu tiêu thụ nội địa. Vì vậy, việc sửa đổi công thức tính giá cơ sở dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ hai nguồn (trong nước và nhập khẩu) để kết cấu lại một mặt bằng giá chung làm cơ sở điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Không bỏ quỹ bình ổn

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi bỏ Quỹ bình ổn, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.

Thay đổi cách tính giá xăng dầu, một mặt bằng giá mới cho toàn dân - 2

Không bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Không ủng hộ đề xuất này, Bộ Công Thương lập luận: Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là công cụ để Nhà nước điều tiết giá bán xăng dầu trong nước. Vì vậy, nếu bỏ Quỹ thì Nhà nước sẽ không còn công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng.

Song, Bộ Công Thương cũng rà soát sửa đổi quy định về Quỹ Bình ổn giá theo hướng quy định nội dung và quy chế báo cáo của các doanh nghiệp đối với Quỹ; Bổ sung quy định về cách tính lãi suất, nguồn tài chính trong trường hợp thương nhân xăng dầu đầu mối thực hiện sử dụng Quỹ trong khi Quỹ tại doanh nghiệp đang bị âm; Bổ sung quy định trong Nghị định về chế tài xử lý vi phạm (như thu hồi giấy phép hoạt động) nếu thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không thực hiện việc trích lập, kết chuyển số dư Quỹ Bình ổn giá theo quy định.

Giảm thời gian phải dự trữ xăng dầu

Điều 31, Nghị định 83 quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng. Thương nhân sản xuất xăng dầu có hệ thống phân phối trong nước phải dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng.

Tuy nhiên, trong lần sửa đổi này, cả hai “ông lớn” là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tổng công ty Dầu Việt Nam đều đề nghị điều chỉnh quy định dự trữ lưu thông bắt buộc. Petrolimex đề nghị điều chỉnh từ 30 ngày xuống còn 20-25 ngày. Còn PVOil đề nghị giảm từ 30 ngày xuống 15 ngày.

Lý do, theo hai DN trên, là để tiệm cận hơn với công thức tính giá cơ sở (bình quân 15 ngày giá thế giới sát với ngày tính giá cơ sở). Mặt khác, nguồn cung từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước nên việc đảm bảo nguồn sẽ thuận lợi hơn so với trước đây khi phải nhập khẩu tới 70%.

Tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án: một là giảm dự trữ lưu thông bắt buộc từ 30 ngày xuống 20 ngày; hai là giữ nguyên quy định dự trữ 30 ngày. Đồng thời, dự thảo bổ sung thêm yêu cầu thương nhân phân phối xăng dầu phải đảm bảo dự trữ bắt buộc tối thiểu là 5 ngày.

Bổ sung quy định về máy bán xăng dầu mini

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa (ít được các doanh nghiệp đầu tư cây xăng do kém hiệu quả về kinh tế), dự thảo Nghị định cho phép áp dụng thí điểm các máy bán xăng dầu mini.

Bộ Công Thương nhấn mạnh, đây không phải là cửa hàng xăng dầu quy mô nhỏ và không phải máy bán xăng dầu tự động, mà như một trụ bơm nhỏ không có bể chứa, chỉ bán với quy mô dưới 100 lít, thay thế các thiết bị bán bằng can hoặc bơm tự chế nhằm bảo đảm an toàn và thuận tiện cho người tiêu dùng.

Theo Lương Bằng
VietnamNet