1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Trào lưu măng cụt xanh gây sốt: Tiết lộ bất ngờ từ các chủ vườn

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Khi trào lưu gỏi gà măng cụt nở rộ, giá quả tăng cao, thị trường xuất hiện tranh cãi về việc chủ vườn hái măng cụt xanh sẽ làm hại cây. Tuy nhiên, tiết lộ từ giới trồng măng cụt lại khá bất ngờ.

Măng cụt xanh chững giá

Gần đây, món gỏi gà măng cụt xanh trở thành "điểm nóng" trên thị trường. Giá măng cụt xanh vì thế cũng tăng vùn vụt theo nhu cầu. Ở các chợ truyền thống hay cửa hàng trái cây, các trang bán hàng trực tuyến, mặt hàng này được săn lùng. Có những thời điểm, giá măng cụt được gọt sẵn lên tới cả 500.000 đồng/kg nhưng không có hàng bán.

Tuy nhiên, sau giai đoạn cao điểm, giá măng cụt xanh tại các vườn cây trái có vẻ đang hạ nhiệt.

Chị Phạm Thị Quỳnh Như, người sáng lập trang trại Khoai (huyện Phú Riềng, Bình Phước), nói năm nay, măng cụt được mùa một phần nhờ thời tiết nắng nóng, tốt cho cây sinh trưởng. Nếu gặp mưa, trái sẽ bị hư nhiều, bị sượng, chất lượng không cao.

Vườn của chị có hơn 100 cây măng cụt, mỗi năm cho sản lượng thu hoạch khoảng hơn 1 tấn. Giai đoạn đầu mùa cách đây khoảng một tháng, khi xu hướng tiêu dùng măng cụt xanh tăng vọt, giá mỗi kg khoảng 75.000-80.000 đồng. Hiện nay, chị nhận thấy giá đã chững lại, giá bán buôn mỗi kg khoảng 35.000-45.000 đồng, còn bán lẻ khoảng 40.000-45.000 đồng. Chị Như cũng nói thêm các năm trước, nhu cầu tiêu thụ măng cụt xanh không nhiều nên vườn của chị không bán mặt hàng này, chỉ bán trái chín.

Trào lưu măng cụt xanh gây sốt: Tiết lộ bất ngờ từ các chủ vườn - 1

Nhiều chủ vườn cho biết năm nay măng cụt được mùa, giá măng cụt xanh đang chững lại. (Ảnh: Quỳnh Như).

Cũng tại Bình Phước, ghi nhận ở vườn của chị Hai Phượng (huyện Bù Đăng), giá măng cụt xanh cũng đang chững lại. Chị Phượng cho biết giá bán lẻ khoảng 40.000-45.000 đồng mỗi kg, bán buôn khoảng 35.000 đồng. Đầu mùa, mức giá có thể lên 55.000 đồng/kg, thậm chí có nơi bán 70.000-80.000 đồng/kg.

Vườn nhà chị có khoảng một trăm cây nhưng nay trái xanh mới có thể thu hoạch, còn chưa tìm được đầu mối bán buôn nên đang bán nhỏ lẻ cho người dân quanh vùng. Chủ vườn này cũng thừa nhận năm nay, măng cụt được mùa vì nắng nhiều, nếu mưa sẽ bị rụng và hỏng trái, chảy mủ.

Hái trái xanh có nhiều tác dụng

Cả chị Như và chị Phượng đều cho biết rất thích thu hoạch măng cụt xanh. Theo chị Như, việc hái trái xanh, hái sớm tốt cho cây và đỡ vất vả cho người dân. Trước đây, khi phải chăm trái chín, chị mất nhiều công sức vì phải canh chừng thời tiết, cực kỳ sợ mưa làm hỏng trái. Với cây, việc hái sớm, hái trái xanh cũng không làm ảnh hưởng tới sản lượng hay sức khỏe của cây.

Chị Như còn nói thêm, nhiều người sợ hái trái làm rụng cặp lá bên trên trái rồi ảnh hưởng mùa vụ sau, điều đó không có. "Không việc gì phải bẻ 2 cái lá đó cả, hái lá xanh chỉ để chụp hình cho đẹp thôi. Lúc hái là bẻ cái trái thôi mà", chị Như khẳng định.

Chị Hai Phượng thì mô tả tỉ mỉ hơn. Mọi năm, khi hái trái chín, hầu hết trái ở trên cao nên người hái phải ngửa cổ lên rất mỏi. Các loại vợt để hái trái cũng khó sử dụng, giựt trái ra nếu làm rơi xuống đất thì dập nát, khó bán. Với trái xanh, việc thu hoạch dễ hơn, không phải lo ngại điều gì, lại được giá hơn, vận chuyển dễ hơn. Đặc biệt, những chủ vườn như chị đang phán đoán năm nay, măng cụt xanh được giá nên khó nhận định khi trái chín thì thế nào. "Chưa biết sau này ra sao nên 8-10 trái xanh được 1 kg, bán giá 35.000-40.000 đồng/kg thì bán luôn cho chắc", người chủ vườn nói.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết việc các nhà vườn hái măng cụt xanh để bán theo nhu cầu của thị trường của người dân là điều bình thường, theo quy luật cung cầu thị trường.

Đối với cây, trái xanh thì nhu cầu dinh dưỡng ít hơn trái chín, nếu được hái cũng giúp cây có khả năng phục hồi tốt hơn. Nếu ngắt trái mà ngắt cả cành có triển vọng ra trái cho năm sau thì mới ảnh hưởng tới chất lượng mùa vụ tiếp theo. Do đó, hái măng cụt xanh để bán không ảnh hưởng đến cây hay sự phát triển chung. Theo ông Cường, người nông dân đều có hiểu biết về nông nghiệp nên họ sẽ có cách chăm sóc, ứng xử phù hợp với cây trồng.