Tranh chấp mua bán bảo hiểm là do việc cấp chứng chỉ tràn lan?

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Đại biểu nêu nhiều câu hỏi "nóng" liên quan bảo hiểm nhân thọ được đưa ra, như kết quả thanh tra công ty bảo hiểm, thời hạn hợp đồng, việc tư vấn tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo khách...

Năm nay thanh tra 14 doanh nghiệp bảo hiểm

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hải Dũng trong phiên chất vấn sáng 18/3 về việc thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, năm 2023 vừa qua đã thanh tra 10/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có doanh thu qua kênh ngân hàng.

"96,83% tổng doanh thu là từ việc bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Hiện tại, Bộ đã lưu hành được 5 kết luận đối với 5 công ty bảo hiểm và đang thực hiện trình thủ tục để ban hành 3 kết luận còn lại và 2 kết luận đang triển khai", Bộ trưởng nêu.

Năm 2024, Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra 14 doanh nghiệp bảo hiểm và sẽ phối hợp với thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước để hoàn thiện.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Đình Gia liên quan đến hành vi chèo kéo nhằm bán bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đây là hành vi của các nhân viên ở các công ty bảo hiểm.

"Đối với cơ quan quản lý, luật nghiêm cấm việc cán bộ, bảo hiểm tư vấn sai bảo hiểm hoặc tranh giành, lôi kéo giành thủ đoạn để bán bảo hiểm với những người nhận thức chưa cao", Bộ trưởng nói.

"Chúng tôi đã kiểm tra, thanh tra khi có những khiếu nại, hành vi đó bị xử phạt nghiêm minh. Những vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật đều được chuyển qua cơ quan điều tra để xử lý", Bộ trưởng thông tin.

Tranh chấp mua bán bảo hiểm là do việc cấp chứng chỉ tràn lan? - 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính (Ảnh: VPG).

Trước thắc mắc liên quan đến việc hợp đồng bảo hiểm quá dài, Bộ trưởng cho biết trước đây các hợp đồng có thể lên tới hàng chục trang, gây ra những sơ hở, thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm chưa có nhận thức cao.

Tuy nhiên, sau khi sửa Luật Bảo hiểm năm 2023 và các quy định có liên quan, Bộ đã có một chương về những vấn đề cấm không được thực hiện cho hợp đồng bảo hiểm để quy định rõ hơn rõ hơn, chặt chẽ hơn.

Đồng thời, Bộ đã có quy định trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện vấn đề với hợp đồng bảo hiểm có sai sót, người tham gia bảo hiểm có quyền đòi nhận lại số tiền của mình và công ty bảo hiểm phải trả lại cho người tham gia bảo hiểm.

Về câu hỏi liên quan đến việc xử phạt hành vi sai phạm khi bán bảo hiểm qua ngân hàng của đại biểu Nguyễn Minh Trí, ông Hồ Đức Phớc cho biết Bộ đã đề xuất không bán bảo hiểm tư vấn ngân hàng kèm sản phẩm ngân hàng.

"Trong quy định của Luật Bảo hiểm năm 2023, trước 60 ngày và sau 60 ngày khi thực hiện bán sản phẩm vay của ngân hàng thì các công ty bảo hiểm không được mua - bán các sản phẩm bảo hiểm để tránh trường hợp ép mua trong giai đoạn chuẩn bị thẩm định hồ sơ để cho vay hay sau khi thực hiện giải ngân", Bộ trưởng cho hay.

Người vay ngân hàng phải báo với cơ quan chức năng nếu xảy ra tình trạng ép mua, Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý các đơn kiện.

Tranh chấp mua bán bảo hiểm là do việc cấp chứng chỉ tràn lan? - 2

Năm 2024, Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra 14 doanh nghiệp bảo hiểm (Ảnh: IT).

Cấp chứng chỉ bảo hiểm có tràn lan, dễ dàng?

Trước thắc mắc của đại biểu Nguyễn Thị Hà liên quan đến các tư vấn viên sai, tư lệnh ngành tài chính thông tin những sai phạm trong việc bán qua ngân hàng là hành vi của nhân viên ngân hàng, chứ không phải chủ tịch, giám đốc chỉ đạo.

"Trong quá trình thực hiện có sự lệch lạc, thiếu thanh tra kiểm soát, định hướng quản lý nên xảy đến tình trạng nhân viên tư vấn sai, ảnh hưởng đến người tham gia bảo hiểm cho nên chúng tôi phải xây dựng tổ chức phối hợp để thanh tra, kiểm tra để thực hiện công bằng, đúng đắn trong hoạt động của bảo hiểm", Bộ trưởng nói.

Ông thông tin, hàng năm Bộ vẫn tổ chức đào tạo thẩm định viên liên quan đến nghiệp vụ bảo hiểm và đã giao cho Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm chuyên thực hiện đào tạo.

Còn trước câu hỏi của đại biểu Bùi Sỹ Hoàn về việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểm xuất phát từ tư vấn viên và việc cấp chứng chỉ tràn lan, dễ dàng và cần giải pháp gì để nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ trưởng thông tin trách nhiệm của Bộ Tài chính là cấp phép và kiểm tra. Bộ cũng đã có kiểm tra quy chế nội bộ và văn hóa ứng xử của doanh nghiệp.

"Nó liên quan luật pháp, đạo đức người làm nghề. Chúng tôi cũng lưu tâm, khi có  khiếu nại, tố cáo của người dân, Bộ sẽ thanh tra, làm rõ trách nhiệm của người trực tiếp tư vấn bảo hiểm. Chương trình đào tạo tư vấn viên được đổi mới thường xuyên theo quy định", ông nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm