Bình Định:

Trắng tay vì nuôi....nhông tự phát

(Dân trí) - Thấy nghề nuôi nhông ở Bình Thuận đem lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dân ở xã Mỹ Thắng, Phù Mỹ (Bình Định) cũng đua nhau nuôi nhông. Thế nhưng do đầu ra lẫn kinh nghiệm chưa có nên các hộ dân ở đây đang lâm vào cảnh trắng tay.

Mô hình nuôi nhông trên cát phát triển mạnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao ở tỉnh Bình Thuận, rồi nhân rộng ra một số tỉnh thành phía nam. Để nuôi con nhông cũng khá đơn giản bởi con nhông ít dịch bệnh, dễ nuôi, thức ăn dễ kiếm, có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như: rau, cỏ, bèo, củ, quả... Chỉ khó là khâu làm chuồng nuôi phải xây bờ tường cao khoảng 2m hoặc dùng tấm lợp gói lợp proximăng. Đáy nền lót gạch thẻ, cắm tôn xuống cát từ 0,6 - 0,8m kín cả khu vực nuôi để nhông khỏi bò ra ngoài, hoặc đào hang chui ra.

Con nhông rất dễ nuôi mà giá trị kinh tế khá cao 

Năm 2008, nhận thấy con nhông rất dễ nuôi lại đem lại quả kinh tế cao, nhiều hộ dân ở xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ) rộ lên phong trào nuôi nhông tự phát trên cát. Sau khi học tập “kinh nghiệm” qua tivi, báo đài, thông tin trên mạng. Thậm chí, nhiều người cất công vào tận Bình Thuận để học hỏi các trang trại chăn nuôi nhông lớn rồi mới quyết định đầu tư mua giống về nuôi.

Theo phản ánh của người dân ở đây cho biết, thời điểm nuôi nhiều nhất là hơn 30 hộ dân. Mỗi cân nhông giống được người dân vào tận Bình Thuận mua với giá 500.000 đồng. Nhông từ lúc mua nhông giống con về nuôi khoảng 5 - 6 tháng là chúng sinh sản, mỗi lần đẻ từ 3-6 trứng, khoảng 1,5 tháng thì trứng nở. Nuôi khoảng 10 – 12 tháng là bán nhông thịt, giá trị nhông thịt cũng khá cao có thời điểm bán được 280.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ không có, trong khi tiền vốn đầu tư nhiều nhưng thu lại chẳng là bao khiến các hộ dân này lâm vào cảnh nợ nần. Nhiều hộ đã tháo dỡ chuồng trại, bỏ nghề. Chỉ còn vài hộ thì nuôi cầm chừng tìm nguồn ra vớt vát được đồng nào hay đồng đó.  

Để thử nghiệm nuôi con nhông tại địa phương, ông Nguyễn Xuân (70 tuổi, ở thôn 9, xã Mỹ Thắng) - một trong số ít các hộ nuôi nhông ở xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ) đã cất công vào tận Bình Thuận tìm hiểu rõ về nghề nuôi nhông. Sau đó, ông quyết định bỏ 40 triệu đồng mua 80kg nhông giống, cộng với tiền làm chuồng trại lên đến 60 triệu đồng. Đó là chưa kể đến công nuôi tiền thức ăn hàng ngày. Thế nhưng, sau gần 5 năm nuôi, ông Xuân không những không đổi đời mà còn lâm vào cảnh trắng tay.

Ông Nguyễn Xuân than thở: “Tôi thường xem trên tivi các chương trình giúp nhà nông làm giàu, thấy nghề nuôi nhông trên cát ở Bình Thuận rất phù hợp với đất cát ở quê mình. Con nhông rất dễ nuôi bởi nguồn thức ăn phong phú từ rau, củ, quả, đến côn trùng như giun, dế... thứ gì nó cũng ăn tất. Nào ngờ thị trường tiêu thụ không có nên chẳng bán được cho ai. Lâu lâu bán được một vài kg cho các nhà hàng ở trong Quy Nhơn. Nản quá, nhiều hộ nuôi nhông chấp nhập thua lỗ tháo dỡ chuồng trại, bỏ nghề”.

Hay như hộ ông Trần Văn Mí (57 tuổi, ở thôn 9, xã Mỹ Thắng), thấy bà con trong xóm đua nhau nuôi nhông. Ông Mí cũng vay mượn anh em họ hàng mua 40 kg nhông giống với giá 20 triệu đồng, cộng với tiền làm chuồng trại, tiền mua thức ăn đến nay tính cũng hơn 40 triệu nhưng số tiền thu lại từ bán nhông chưa đến 10 triệu.

Thế nhưng nhiều hộ nuôi nhông ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ đang đổ nợ vì nuôi nhông
Thế nhưng nhiều hộ nuôi nhông ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ đang đổ nợ vì nuôi nhông

Theo người dân phản ánh, nguyên nhân chính của việc nuôi nhông thất bại là do đầu ra không có. “Phải nói con nhông nuôi dễ, ăn thịt nó ngon nên giá trị rất cao. Chỉ cần đầu ra ổn định thì việc phát triển nghề nuôi nhông ở địa phương sẽ phát triển tốt”, ông Mí chia sẻ.

Nói về nguyên nhân dẫn đến thất bại của nghề nuôi nhông ở địa phương, ông Trần Văn Phá – Chủ tịch Hội nông dân xã Mỹ Thắng, cho biết: “Địa phương không có chủ trương phát triển mô hình nuôi nhông trên cát mà một số hộ dân nuôi kiểu tự phát nên dẫn đến thất bại. Tuy nhiên, theo phản ánh thì nguyên nhân chính dẫn đến thất bại là do không có đầu ra. Vì vậy, trước mắt phải tìm ra đầu ra thì mới phát triển nghề nuôi nhông tại địa phương”.

Doãn Công
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước