Trần lãi suất tiền gửi lên 6%/năm, lãi suất cho vay sẽ ra sao?

Thảo Thu

(Dân trí) - Trần huy động nâng lên cho phép nhà băng đang cần vốn tăng lãi suất tiền gửi. Giới chuyên gia cho rằng khi lãi suất đầu vào tăng, lãi suất cho vay sẽ được đẩy lên.

Từ hôm nay (25/10), Ngân hàng Nhà nước áp dụng lãi suất điều hành mới. Trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn... đã được điều chỉnh tăng.

Trong 2 lần điều chỉnh một tháng trở lại đây, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng đã quay về mức trước dịch và tương đương năm 2014.

Giảm áp lực tỷ giá

Ông Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - nhận định, tăng lãi suất điều hành là giải pháp cần thiết của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát. Theo ông, lãi suất là công cụ quan trọng để giảm bớt những áp lực này.

"Ngân hàng Nhà nước luôn nhìn nhận phản ứng của thị trường. Qua lần tăng thứ nhất, áp lực lên thị trường vẫn lớn, dẫn đến việc điều hành này", ông nói.

Tuy nhiên, ông Thành lưu ý, cũng như nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới, không thể khẳng định tỷ giá sẽ ổn định sau khi điều chỉnh lãi suất điều hành.

"Chúng ta phải trải qua một khoảng thời gian nhìn nhận thị trường cũng như diễn biến kinh tế thế giới và trong nước. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng không điều chỉnh tăng lãi suất ngay 1-3% mà luôn chỉ tăng khoảng 0,75%", ông nói.

Ông Thành nhận định Việt Nam chỉ là một nước trong nền kinh tế lớn của thế giới, nên có thể còn chịu nhiều biến số không tự định đoạt được, khi ấy, cần phải có những giải pháp như hiện tại.

Thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng

Ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng việc tăng lãi suất huy động lần này nhằm ổn định cung - cầu tiền và tỷ giá trước diễn biến ngày càng "nóng" và bối cảnh Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay đã phải bán hơn 20% từ quỹ dự trữ ngoại hối.

Trần lãi suất tiền gửi lên 6%/năm, lãi suất cho vay sẽ ra sao?  - 1

Tăng lãi suất điều hành áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao và đồng USD lên giá mạnh (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ông gợi ý chính sách tiền tệ cần phối hợp với các chính sách tài khóa để đảm bảo mục tiêu cuối cùng là giảm sức ép lạm phát. Ông đưa ra phương án giảm thêm thuế nhập khẩu.

Chuyên gia này cũng dự báo việc điều chỉnh lãi suất điều hành sẽ tác động lên thị trường chứng khoán. "Lãi suất huy động được nâng lên tạo tâm lý cho rằng lãi suất tiền gửi sẽ tăng. Nhà đầu tư sẽ thấy gửi tiền tiết kiệm cho lãi nhiều hơn đầu tư chứng khoán", ông nói.

Áp lực lãi vay

Đặc biệt, trần huy động được nâng lên cho phép nhà băng đang cần vốn sẽ tăng lãi suất tiền gửi. Các chuyên gia cho rằng khi lãi suất đầu vào tăng, lãi suất cho vay sẽ được đẩy lên.

Theo khảo sát của Dân trí, hiện mức lãi suất cho vay doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực ưu tiên đã tăng thêm 1-2% so với cùng kỳ năm ngoái. Với nhóm khách hàng cá nhân, mức lãi suất cho vay mới và khoản vay cũ cũng tăng ít nhất 2% so với đầu năm.

Thông thường, các nhà băng hay ưu đãi lãi suất cho khoản vay mới trong 3 tháng đến một năm đầu tiên, trước khi áp dụng mức lãi suất thả nổi. Tuy nhiên, một số nhà băng thậm chí dừng chương trình ưu đãi lãi suất năm đầu mà áp dụng lãi suất thả nổi ở quanh mức 12-14%.

Trần lãi suất tiền gửi lên 6%/năm, lãi suất cho vay sẽ ra sao?  - 2

Các chuyên gia cùng nhận định lãi vay sẽ tiếp tục tăng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Dù vậy, việc vay vốn cũng không dễ trong bối cảnh "room" tín dụng hạn hẹp. Việc giải ngân thậm chí có thêm điều kiện cần là mua bảo hiểm.

Ông Lê Xuân Nghĩa dự báo lãi suất cho vay sẽ tăng thêm khoảng 1% sau lần điều chỉnh lãi suất điều hành này.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định lãi suất cho vay luôn có độ trễ so với lãi suất huy động. Ngoài ra, lãi suất đầu vào được cấu thành từ nhiều yếu tố, không riêng vốn huy động dân cư. Vì vậy, lãi suất huy động tăng tới đây cũng không có nghĩa lãi suất cho vay sẽ tăng tương ứng mà có thể tăng thấp hơn hoặc cao hơn, cần theo dõi thêm diễn biến thị trường.