Trần lãi suất ngân hàng đồng loạt giảm
(Dân trí) - Trần huy động xuống mức 11%, cùng với đó lãi suất chính sách cũng đồng loạt hạ 1% so với mức hiện hành. Các bước giảm này có hiệu lực từ 28/5.
Hạ trần lãi suất huy động tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay là động thái cần thiết của điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh kinh tế đình trệ hiện nay.
Cuối giờ chiều nay (25/5), Ngân hàng Nhà nước chính thức có thông báo về việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cụ thể, trên cơ sở thực tiễn diễn biến của kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, NHNN quyết định sẽ điều chỉnh giảm lãi suất tái cấp vốn từ 13%/năm xuống 12%/năm, lãi suất cho vay thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 14%/năm xuống 13%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 11%/năm xuống 10%/năm bắt đầu từ 28/5 tới.
Lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng sẽ được điều chỉnh từ 4%/năm xuống 3%/năm. Tiền gửi với kỳ hạn trên 1 tháng có mức trần lãi suất từ 12%/năm xuống 11%/năm.
Riêng quỹ tín dụng Nhân dân, cơ sở ấn định mức lãi suất tối đa tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng trở lên giảm từ 12,5%/năm xuống còn 11,5%/năm
Cùng với đó, lãi suất cho vay với những lĩnh vực khuyến khích như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trỡ, doanh nghiệp vừa và nhỏ xuống 14%/năm từ mức 15%/năm như hiện nay.
Theo nhìn nhận của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, với các giải pháp đồng bộ thời gian vừa qua, tình hình lạm phát đã được kiềm chế, giảm dần từ tháng 8/2011 đến nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,18%, chỉ tăng 8,34% so với cùng kỳ. 5 tháng đầu năm, CPI mới chỉ tăng 2,78%, phù hợp với mục tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm 2012 là dưới 10%.
Cùng với đó, thanh khoản của hệ thống cũng đã được đảm bảo, thậm chí là dư thừa.Tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, sức mua thị trường giảm, hàng tồn kho tăng cao, khả năng hấp thụ tín dụng để tái tạo và mở rộng sản xuất - kinh doanh hạn chế.
Cơ quan này cũng thừa nhận, lãi suất cho vay mặc dù đã giảm song mức giảm chậm do chi phí huy động vốn cao và nguy cơ rủi ro tín dụng tăng.
Đến nay, với trần lãi suất tiền gửi 12% đã cao hơn khoảng 4% so lạm phát: lạm phát tháng 5 so cùng kỳ tăng 8,34% và kỳ vọng cả năm cũng chỉ khoảng 8%; cao hơn khoảng 2-3%/năm so lãi suất trái phiếu Chính phủ và lãi suất tín phiếu Kho bạc; chênh lệch dương đã khá lớn so với lãi suất USD và mức tăng tỷ giá.
Trước thông báo này của NHNN, nhiều nhận định từ các tổ chức quốc tế và các chuyên gia tài chính đầu ngành đều cho rằng, việc giảm lãi suất trong thời điểm hiện nay là hợp lý và cần thiết để cứu cộng đồng doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn, kinh tế có dấu hiệu suy thoái. Thậm chí, theo một số khuyến nghị, lãi suất điều hành có thể giảm mạnh xuống 2-3% mà vẫn đảm bảo được tổng lượng tiền gửi vào hệ thống cũng như duy trì được lãi suất thực dương, đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.
Bích Diệp - Nguyễn Hiền