Trái phiếu Chính phủ mất cân đối về nguồn vốn
(Dân trí) - Do điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư (TMĐT) quá lớn ở hầu hết các dự án nên trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 - 2012 mất cân đối về nguồn vốn.
Sáng nay 7/6, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012.
Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).
Tăng cường điều chỉnh tổng mức đầu tư
Theo báo cáo, giai đoạn 2006 - 2012, lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, ký túc xá sinh viên, di dân tái định cư (không tính số dự án thuộc Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên) đã bố trí vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) thực hiện 2.682 dự án, với TMĐT ban đầu là 409.415,5 tỷ đồng. Tính đến thời điểm giao kế hoạch năm 2012, các dự án nêu trên đã điều chỉnh TMĐT lên 684.794,5 tỷ đồng. Đến hết năm 2012 đã hoàn thành được 2.029 dự án.
Với lĩnh vực giao thông có 1.016 dự án, với TMĐT ban đầu là 204.774,3 tỷ đồng, TMĐT điều chỉnh là 351.752,8 tỷ đồng. Đến hết năm 2012 đã hoàn thành 771 dự án.
Lĩnh vực thủy lợi có 712 dự án, TMĐT ban đầu là 85.056,4 tỷ đồng, TMĐT điều chỉnh là 180.319,9 tỷ đồng, với 641 dự án hoàn thành. Còn lĩnh vực y tế có 856 dự án, với TMĐT ban đầu là 62.280 tỷ đồng, TMĐT điều chỉnh 85.563,7 tỷ đồng. Đến hết năm 2012 đã hoàn thành 568 dự án…
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện vốn TPCP giai đoạn 2006 - 2012 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, nổi bật là việc điều chỉnh tăng TMĐT quá lớn ở hầu hết các dự án dẫn đến mất cân đối về nguồn vốn. Nhiều dự án điều chỉnh TMĐT do tăng giá, điều chỉnh yếu tố kỹ thuật, tăng quy mô chưa hợp lý, không đúng với quy định.
Theo Quyết định số 171 của Chính phủ, TMĐT ban đầu của các công trình, dự án thuộc danh mục đầu tư từ nguồn vốn TPCP giai đoạn 2003 - 2010 là 150.668 tỷ đồng, với nhu cầu sử dụng vốn TPCP là 110.000 tỷ đồng. Nhưng tại Báo cáo số 152/BC-CP ngày 19/10/2010 của Chính phủ, TMĐT điều chỉnh từ các bộ, ngành, địa phương đã lên tới 570.990 tỷ đồng, trong đó nhu cầu sử dụng vốn TPCP là 530.302 tỷ đồng, nhu cầu còn lại sau năm 2010 là 315.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên đến nay, theo Báo cáo số 196/BC-CP ngày 17/5/2013 của Chính phủ, TMĐT đã điều chỉnh lên 684.794,5 tỷ đồng. Hầu hết các dự án đều có phát sinh, phải điều chỉnh TMĐT so với phê duyệt ban đầu. Có dự án điều chỉnh TMĐT gấp nhiều lần, có những dự án không chỉ điều chỉnh về giá nhân công, vật liệu, giá đền bù, giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật,... mà còn điều chỉnh cả về quy mô của dự án. Kết quả là TMĐT các dự án sử dụng nguồn vốn TPCP đã tăng lên nhiều so với dự toán ban đầu.
Nghị quyết số 881 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh TMĐT do “nguyên nhân khách quan về giá vật tư, nhân công và các yếu tố khách quan khác làm tăng tổng mức đầu tư”. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ cho phép điều chỉnh TMĐT do yếu tố giá và các yếu tố về kỹ thuật ở các dự án đầu tư.
Dựa vào CPI để… tăng quy mô dự án
Qua giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc điều chỉnh TMĐT lên 144.976,4 tỷ đồng so với quy định do yếu tố trượt giá là 74.056,5 tỷ đồng (tăng khoảng 14%), mặc dù thấp hơn so với chỉ số giá tiêu dùng trong 3 năm (CPI giai đoạn 2010 - 2012 khoảng 37,14%). Ủy ban Thường vụ đánh giá, việc điều chỉnh do yếu tố giá ở nhiều công trình là hợp lý.
Nhưng, nếu so với quy định hiện hành về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thì những công trình thực hiện trên 2 năm đều được tính chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong suốt thời gian thực hiện dự án. Mặt khác, nếu đối chiếu với từng dự án cụ thể, có nhiều công trình, dự án điều chỉnh TMĐT do tăng giá vượt xa so với tốc độ tăng giá CPI trong 3 năm 2010 - 2012, có dự án điều chỉnh tăng giá lên nhiều lần là không hợp lý và thực chất là tăng quy mô của dự án.
Báo cáo cũng chỉ ra việc TMĐT tăng thêm do xử lý kỹ thuật là 28.845,3 tỷ đồng, trong đó có những yếu tố hợp lý, song nhiều dự án điều chỉnh tăng quá cao, có dự án điều chỉnh do xử lý kỹ thuật gần bằng với TMĐT ban đầu là không hợp lý. Và TMĐT tăng thêm do tăng quy mô dự án 42.074,6 tỷ đồng là không phù hợp với Nghị quyết số 881 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn chỉ ra việc phân bổ vốn TPCP trong giai đoạn 2006 - 2012 còn dàn trải; bổ sung nhiều mục tiêu, số lượng dự án và TMĐT tăng nhanh, dẫn đến thiếu vốn; nhiều dự án đang triển khai phải cắt, giảm, giãn, hoãn tiến độ, chuyển đổi hình thức đầu tư, gây lãng phí nguồn lực.
Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2008 - 2009, cùng với chủ trương chống suy giảm kinh tế, đã bổ sung nhiều dự án giao thông, thủy lợi, Đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, nhiều dự án bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện, bệnh viện lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi, trạm y tế xã và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi, khó khăn, với quy mô và TMĐT lớn là “khởi đầu của việc dàn trải trong đầu tư và mất cân đối vốn”.
Đến giai đoạn 2010 - 2012, trước tình trạng bổ sung thêm, thiếu kiểm soát, nhiều dự án mới được đưa vào danh mục chương trình vốn TPCP trong năm 2009 với TMĐT quá lớn, gây khó khăn cho việc bố trí vốn để hoàn thành các dự án.
Cùng với đó, kết quả giám sát cũng cho thấy, cơ chế phân bổ vốn TPCP chưa hợp lý, không có tiêu chí phân bổ cụ thể mà phân bổ theo dự án. Điều này đã dẫn tới sự mất công bằng giữa các vùng, miền, giữa các địa phương, dễ tạo ra cơ chế “xin - cho”; nhiều dự án chưa bảo đảm tính cấp bách, cần thiết phải đầu tư bằng nguồn vốn TPCP theo mục tiêu ban đầu mà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định.
Nguyễn Hiền