1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Trả lương 70 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp ngành này vẫn đỏ mắt tìm người

Mộc An

(Dân trí) - Các doanh nghiệp ngành game sẵn sàng trả cao nhất 70 triệu đồng/tháng nhưng vẫn thiếu hụt nhân sự lập trình cả về số lượng và chất lượng.

Trả lương nghìn USD nhưng vẫn thiếu hụt nhân sự

Báo cáo thị trường nhân lực ngành công nghệ thông tin Việt Nam năm 2021 của một trang tuyển dụng cho biết, Việt Nam có 430.000 nhân lực trong ngành công nghệ thông tin.

Hiện nay, hơn 40% trường đại học Việt Nam cung cấp các khóa học về công nghệ thông tin. Bên cạnh đó là hàng loạt các đào tạo ngắn hạn về ngành này.

Vài năm gần đây, lập trình game trở thành ngành hot trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Công việc chính của người làm ngành này là thực hiện lập trình sản các sản phẩm, ứng dụng với mục đích chính là giúp người dùng giải trí.

Chia sẻ tại hội thảo "Thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao ngành game" diễn ra hôm nay (19/7), bà Vũ Minh Hạnh - Chánh văn phòng Hiệp hội Phát triển game Việt Nam - cho biết đây là một ngành giải trí với quy mô lớn hơn ngành công nghiệp phim ảnh và ngành công nghiệp âm nhạc cộng lại. Tốc độ tăng trưởng của ngành hiện ở mức 10-15%/năm và bùng nổ trong 3 năm gần đây.

Hiện nay, cứ 23 trò chơi được tải nhiều nhất trên thế giới thì có 7 trò chơi được sản xuất từ Việt Nam. Trong 10 công ty sản xuất game hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương thì có 6 công ty Việt Nam. Việt Nam cũng đứng thứ 7 trên thế giới về phát triển game xét theo lượt tải.

Mức lương thấp nhất đối với lập trình game hiện này là 300 USD/tháng (khoảng 7 triệu đồng). Mức lương cao nhất lên tới 3.000 USD/tháng (khoảng 70 triệu đồng). Mức lương trung bình đối với người chưa có kinh nghiệm khoảng 460 USD/tháng (gần 11 triệu đồng). Mức lương trung bình đối với người đã có kinh nghiệm dưới 3 năm là 1.016 USD (khoảng 24 triệu đồng).

Dù ngành lập trình game đầy hấp dẫn và tiềm năng nhưng bà Hạnh cho biết hiện chỉ có 30% nhân sự tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của các công ty tuyển dụng.

Ngành này đang thiếu hụt nhân sự cả về số lượng lẫn chất lượng để có thể đạt được mục tiêu tham vọng đứng thứ 3 trên thế giới. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đặt mục tiêu trong 5 năm tới, ngành game đạt cột mốc doanh thu 1 tỷ USD, đồng thời tăng mạnh về số doanh nghiệp game hoạt động so với con số 30 như hiện nay.

Trả lương 70 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp ngành này vẫn đỏ mắt tìm người - 1

Ngành lập trình game thiếu hụt nhân sự cả về số lượng lẫn chất lượng (Ảnh: IT).

Gỡ nút thắt để phát triển

So với những mảng công nghệ thông tin khác, lập trình game có yêu cầu khó hơn như cần khả năng sáng tạo, am hiểu tâm lý người chơi, kỹ năng phân tích, kể chuyện, am hiểu lịch sử, văn học.

Bên cạnh đó, do đặc thù mới mẻ nên hiện hiếm trường đại học mở khóa đào tạo dài hạn về ngành học này. Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Hiệp hội Phát triển game Việt Nam cho biết hiện các doanh nghiệp trong ngành đangchủ động tiếp cận các trường để tuyển dụng, mở các khóa đào tạo để đáp ứng nhu cầu làm việc thực tế.

Đại diện doanh nghiệp như Gameloft, Lacbird cho biết họ sẵn sàng tuyển dụng nhân sự trong ngành công nghệ thông tin thậm chí không có bằng đại học nhưng đáp ứng được các tiêu chuẩn cũng như tư duy đam mê học hỏi.

Dưới góc nhìn từ phía đào tạo nguồn nhân lực, đại diện trường cao đẳng FPT Polytechnic cho rằng để ngành game phát triển cần có sự kết hợp giữa Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp.

Theo ông, cần định vị lại game là một ngành công nghiệp đóng góp chính thống vào GDP, sử dụng nhiều nhân lực và nhân lực có trình độ. Ngoài ra, ngành này còn giúp đem văn hóa Việt Nam ra cộng đồng cũng như thế giới.

Đại diện trường này cho biết game là công cụ để truyền tải văn hóa Việt ra thế giới. Qua các trò chơi, thế hệ trẻ sẽ dễ dàng tiếp cận được văn hóa cũng như lịch sử đất nước.

Dưới góc độ doanh nghiệp, game cũng sẽ giúp mang lại trải nghiệm tốt hơn, dễ dàng hơn về truyền thông cũng như thương hiệu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm