Trả Keangnam thật hay hờn dỗi?

Hiện tại, “hòa bình” đã lập lại ở khu chung cư cao cấp này sau những lùm xùm về giá dịch vụ, chuyện cắt dịch vụ hồi cuối 2011 và đầu năm nay, trước khi có sự can thiệp của chính quyền thành phố.

“Xét về khía cạnh tài chính, chúng tôi hoàn toàn không còn khả năng tiếp tục vận hành tòa nhà và hoàn toàn bất lực khi người dân Keangnam dựa vào văn bản của Sở Xây dựng… Chúng tôi thành thật xin lỗi khi không đáp ứng được yêu cầu của thành phố” –ông Ha Jong Suk, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Keangnam – Vina viết trong văn bản gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo để đề nghị trả lại chung cư cao nhất Việt Nam.
 
Trả Keangnam thật hay hờn dỗi?
Khu chung cư cao cấp với những rắc rối về phí dịch vụ gây xôn xao dư luận cuối năm 2011 có được trả cho TP Hà Nội sau ngày 1/4?

 

Tờ trình như “tâm thư”

 

“Bây giờ họ quản lý hay không quản lý cũng không khác gì nhau, cho nên họ đừng dọa cư dân, người ta chẳng sợ. Trả lại thì người ta càng mừng” - Thành viên Ban đại diện lâm thời dẫn ý kiến của một “phe” trong cư dân Keangnam.

 

Ngày 27/3, UBND TP Hà Nội tiếp nhận văn bản từ công ty TNHH MTV Keangnam-Vina, nội dung về việc công ty này nhờ thành phố tìm nhà quản lý khu chung cư cao cấp Keangnam (đường Phạm Hùng, quận Cầu Giấy).

 

Ngay mở đầu, văn bản có chữ ký của ông Ha Jong Suk gửi ông Nguyễn Thế Thảo đã trình bày thẳng thắn vấn đề, nghe ra khá “căng”: "Từ 1/4/2012, công ty hiện đang quản lý là Chesnut Vina xin rút khỏi việc điều hành tòa nhà chung cư cao cấp này với lý do không có đủ kinh phí để trả lương nhân viên, duy trì các tiện ích công cộng và vận hành trang thiết bị hiện đại có sẵn".

 

Chủ tịch của Keangnam-Vina cho rằng: “Là doanh nghiệp, lẽ ra chúng tôi phải có một chút ít lợi nhuận, nhưng ngược lại, chúng tôi mất khả năng thanh toán từ nhiều tháng nay”.

 

Ông Ha Jong Suk giải thích rằng, từ tháng 8/2011, phía công ty đã tiến hành thu phí với mức giá 18.800 đồng/m2/tháng, phí ôtô 850.000 đồng/tháng, lẽ ra mọi chuyện sẽ êm đẹp nếu TP Hà Nội không có văn bản số 4520/QĐ-UBND yêu cầu Keangnam chỉ thu với mức 4.000 đồng/m2/tháng. Việc này diễn ra sau những động thái phản ứng của cư dân sống tại đây.

 

Ngoài ra, Sở Xây dựng Hà Nội cũng ra công văn số 460/TB-SXD buộc công ty chỉ được thu ở mức 4.000 đồng/m2/tháng cho tới khi bầu xong ban quản trị chung cư. Chủ tịch Keangnam – Vina đánh giá, các văn bản của cơ quan quản lý đã ấn định nhà tiêu chuẩn cấp cao giống nhà chung cư bình thường.

 

Keangnam – Vina còn khẳng định, những người từng sống tại nước ngoài hoặc từng ở chung cư cao cấp đồng tình với mức phí 18.800 đồng/m2/tháng, nay thì đại đa số đóng mức 4.000 đồng/m2/tháng, một số ít không chịu đóng tiền. Trong các tháng đầu năm 2012, tiền phí thu được giao động từ 500-600 triệu đồng, chỉ đủ vận hành 20 chiếc thang máy.

 

Trong văn bản của vị chủ tịch người Hàn Quốc cũng có nhiều tình tiết khá “cảm động” như một bức tâm thư gửi tới chính quyền sở tại. “Mặc dù bị lỗ nhưng chúng tôi vẫn cố gắng chịu đựng, kỳ vọng nhiều vào cuộc bầu cử ngày 10/3 để thống nhất mức phí dịch vụ và ban quản trị mới. Hội nghị không thành công do những phần tử không tích cực phá rối”, ông Ha Jong Suk viết.

 

Lãnh đạo Keangnam – Vina bức xúc: “Xét về khía cạnh tài chính, chúng tôi hoàn toàn không còn khả năng tiếp tục vận hành tòa nhà và hoàn toàn bất lực khi người dân Keangnam dựa vào văn bản của Sở Xây dựng… Chúng tôi thành thật xin lỗi khi không đáp ứng được yêu cầu của thành phố”.

 

Công ty này xin giao lại tòa nhà chung cư cho Hà Nội tìm đơn vị quản lý mới theo mức phí 4.000 đồng/m2/tháng, thậm chí sẵn lòng chuyển giao miễn phí công nghệ trong 2 tháng cho công ty được thành phố lựa chọn.

 

Hồi hộp chờ… “Ngày nói dối”

 

Theo đúng tuyên bố của Keangnam – Vina, chỉ còn 2 ngày nữa là tới 1/4 - đúng ngày “Cá tháng Tư” - hai tòa tháp chung cư cao cấp ở Keangnam Landmark Tower sẽ không thuộc sự quản lý của Chestnut– Vina (thuộc tập đoàn Keangnam).  

 

Gấp gáp là vậy, song ý định “nhờ vả” mà ông Ha Jong Suk gửi tới TP Hà Nội còn đang rất mơ hồ. Thời gian văn bản gửi đến và thời gian định “rời cuộc chơi” của phía Keangnam chỉ cách nhau vài ngày, nhiều người dân băn khoăn không biết UBND TP Hà Nội xoay sở sao kịp để “giúp” Keangnam – Vina như trong tờ trình.

 

Thậm chí, khi tiếp xúc với phóng viên, ông Nguyễn Thế Sơn – phụ trách dịch vụ của Văn phòng Ban quản lý tòa nhà cho biết, họ chưa nhận được văn bản nào về việc Keangnam – Vina sẽ nhờ thành phố tìm một công ty quản lý khác, đồng thời xin photo văn bản của ông Ha Jong Suk mà phóng viên mang đến.

 

Việc này cũng lặp lại khi phóng viên tới liên hệ làm việc tại Sở Xây dựng Hà Nội và khi trao đổi với Ban đại diện lâm thời khu dân cư Keangnam.

 

Hiện tại, “hòa bình” đã lập lại ở khu chung cư cao cấp này sau những lùm xùm về giá dịch vụ, chuyện cắt dịch vụ hồi cuối 2011 và đầu năm nay, trước khi có sự can thiệp của chính quyền thành phố. Tuy nhiên, đa số người dân vẫn đang nóng lòng dõi theo từng động thái của phía Keangnam – Vina lẫn ý kiến từ cơ quan chức năng, đồng thời chờ đợi một sự đổi thay tích cực sau “Ngày nói dối”. Nhưng cũng không ít người thờ ơ với ý định của ông Ha Jong Suk, coi đó như một biểu hiện giận dỗi của phía công ty khi phải thực hiện mức phí 4.000 đồng/m2/tháng theo quy định của Hà Nội nhằm gây áp lực để tăng phí.

 

Trao đổi với PV, một vị đại diện (xin giấu tên) trong Ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam nói: “Cư dân hiện đang có hai phe. Một phe vỗ tay hoan hô, họ trả lại thì… mừng quá, vì họ quản lý yếu kém như thế thì tốt hơn hết là trả cho thành phố, giữ lại chỉ… rước họa vào thân, sau đó thành phố quyết định thế nào, dân sẽ nghe theo. Phe thứ hai lại đặt vấn đề, rút là rút thế nào, ai cho họ có quyền trả lại cho thành phố, họ phải chịu trách nhiệm đến cùng, họ rút đơn vị quản lý này (Chestnut – Vina) thì phải thay bằng đơn vị khác, phải minh bạch phí ra, nếu không thuyết phục được người dân, dân cứ 4.000 đồng/m2/tháng mà đóng”. Vị này cũng cho biết: “Ban đại diện lâm thời không có ý kiến gì và miễn bàn luận về phương thức của họ!”.

 

Theo Việt Nguyễn

Gia đình