1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Trá hình" làm dự án điện mặt trời mái nhà: Quản lý có vấn đề?

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, cần làm rõ có hay không sự buông lỏng trong quản lý, thậm chí "móc ngoặc" để trục lợi rồi gây hệ lụy cho hệ thống.

"Trá hình", lách quy định để trục lợi?

Vừa qua, Dân trí thực hiện một số bài phản ánh về tình trạng nhiều dự án điện năng lượng mặt trời tại Đắk Lắk được triển khai ồ ạt, sử dụng đất sai mục đích, trá hình các khu nông nghiệp công nghệ cao để làm điện mặt trời.

Theo đó, nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao tiến hành việc lắp điện mặt trời mái nhà. Song bên trong dự án này là những khu vực treo những bịch nấm rơm nằm chất chồng lên nhau, không được chăm sóc đã bị mốc đen.

Trá hình làm dự án điện mặt trời mái nhà: Quản lý có vấn đề? - 1

Báo động tình trạng trá hình dự án nông nghiệp làm điện mặt trời mái nhà.

Thậm chí, qua kiểm tra một số địa phương có công trình điện mặt trời mái nhà, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đều phát hiện tồn tại nhiều vi phạm, có công trình chưa được hoàn thiện vẫn được thỏa thuận đấu nối.

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hiệp hội điện lực Việt Nam cho rằng, điện mặt trời mái nhà nếu phát triển theo đúng định hướng mang lại nhiều lợi ích. 

Tuy nhiên, theo ông Long, việc nhà đầu tư xây dựng trang trại lớn, "trá hình" dự án nông nghiệp công nghệ cao, thực chất chủ yếu để kinh doanh điện thì cần được xem xét lại.

"Lúc phê duyệt dự án các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phải làm rõ. Nếu không phải phục vụ cho sinh hoạt, không phải tận dụng mái mà chiếm cả một vùng đất với diện tích lớn, chủ yếu là kinh doanh điện thì phải cơ chế khác", ông Long nói và cho rằng các cơ quan chức năng phải rà soát, nâng cao trách nhiệm quản lý, giám sát, làm rõ các trường hợp này. Đồng thời cần có những giải pháp căn cơ chế về mặt chính sách để hạn chế tình trạng "lách" quy định để hưởng lợi.

Được biết, theo quy định, các công trình điện mặt trời trên 1 MWp phải được bộ Công thương phê duyệt. Do đó, nhiều chủ đầu tư đã chia nhỏ dự án, với công suất dưới 1 MWp nhằm tránh nhiều thủ tục liên quan và được hưởng giá bán điện cao. Về vấn đề này, ông Long cho rằng, nhà nước cần sớm có những động thái thích hợp để xử lý vấn đề này.

Cũng theo ông Long, cần làm rõ định nghĩa điện mặt trời mái nhà để hạn chế được tình trạng "núp bóng", "lách" quy định trục lợi.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Bình - Viện Kinh tế và Quản lý (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng cho rằng chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà cũng như vấn đề quản lý hiện nay còn nhiều tồn tại, nhiều nhà đầu tư lợi dụng, "lách" chính sách để hưởng lợi.

"Bởi thực tế điện mặt trời một giá khác, điện mặt trời mái nhà giá khác. Chúng ta khuyến khích người dân đầu tư điện mặt trời, còn lại phát lên hệ thống. Khác với việc đầu tư với mục đích kinh doanh. Các cơ quan quản lý phải có chính sách rõ ràng, không thể để xảy ra việc "trá hình", trục lợi như vậy được", ông Bình chia sẻ.

Cũng theo ông Bình, với các dự án chiếm diện tích mặt đất lớn thì không thể gọi điện mặt trời mái nhà được.

Có hay không chuyện buông lỏng quản lý, thiếu giám sát?

Theo quy định, Bộ Công Thương và ngành điện cần có trách nhiệm, đảm bảo việc điện mặt trời mái nhà khi đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia phải tuân thủ đúng quy định về hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Quyết định 13, quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật có liên quan trong lĩnh vực điện lực.

Trao đổi với Dân trí về vấn đề trách nhiệm của Bộ trong thực tế ồ ạt triển khai điện mặt trời mái nhài, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương cho biết đã nắm được thông tin nêu trên. Đồng thời chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương kiểm tra. Hiện EVN đang tổ chức thực hiện.

Đối với thông tin một số tỉnh Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk triển khai ồ ạt điện mặt trời mái nhà, ông Dũng cho biết, Bộ đã chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương kiểm tra tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà tại Tây Nguyên. Hiện nay, EVN đang tổ chức thực hiện.

Theo tìm hiểu của PV, không chỉ Đắk Lắk hay một số tỉnh Tây Nguyên khác, ở một số địa bàn khác như tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng xuất hiện tình trạng đáng báo động này.

Nhìn nhận dưới góc độ chuyên gia, ông Trần Văn Bình cho rằng, cần làm rõ có hay không sự buông lỏng trong quản lý, thậm chí "móc ngoặc" để trục lợi rồi gây hệ lụy cho hệ thống.

Chưa kể theo ông Bình, việc phát triển ồ ạt cũng sẽ gây hệ lụy môi trường lớn sau này. Để giải bài toán về phát triển điện mặt trời mái nhà hiện nay, theo ông Bình, là vấn đề không hề đơn giản.

Câu chuyện điện mặt trời mái nhà hiện nay vẫn chủ yếu là vấn đề giá điện ưu đãi. Trong khi đó, quản lý nhà nước trong lĩnh vực này thực sự có "vấn đề", chính sách chưa rõ ràng.

Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam (Quyết định 13) đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công thương vẫn chưa trình Chính phủ quy định mới thay thế.

"Nếu trình quy định thay thế, tôi cho rằng cần tính toán về vấn đề ưu đãi. Đồng thời phát triển năng lượng tái tạo phải trong một quy hoạch nhất định, tránh xảy ra tình trạng ồ ạt như bây giờ được", ông Bình nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm