1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Vụ trá hình dự án nông nghiệp làm điện mặt trời: Bộ Công Thương nói gì?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Đối với thông tin một số tỉnh triển khai ồ ạt điện mặt trời mái nhà, Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương kiểm tra. Hiện EVN đang tổ chức thực hiện.

Ồ ạt làm điện mặt trời mái nhà: Lập đoàn kiểm tra

Điện mặt trời mái nhà là nguồn điện sạch, tái tạo có tính chất phân tán, quy mô nhỏ. Hiện Nhà nước có chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế như hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia đầu tư để cấp điện tự dùng và phần dư bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Báo cáo sơ bộ từ EVN cho biết, tính đến hết năm 2020, cả nước có 105.996 hệ thống điện mặt trời mái nhà đi vào vận hành, tổng công suất lắp đặt 9.731 MWp (khoảng 7.784 MWac), sản lượng tích lũy ước đạt khoảng 1.337.093 MWh, giảm phát thải khoảng 1.220.766 tấn khí CO2.

Vụ trá hình dự án nông nghiệp làm điện mặt trời: Bộ Công Thương nói gì? - 1

Không ít chủ đầu tư đã chia nhỏ dự án với công suất dưới 1 MWp để tránh các thủ tục. Ảnh: Thúy Diễm.

Riêng tại Đắk Lắk, tính đến tháng 12/2020, trên lưới điện của điện lực Đắk Lắk đã phát triển 5.487 công trình điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt là hơn 580 MWp (bao gồm công trình đã đi vào hoạt động và đã thỏa thuận đấu nối đang triển khai xây dựng).

Đáng chú ý, vừa qua tại địa bàn tỉnh này nhiều dự án điện năng lượng mặt trời được triển khai ồ ạt, sử dụng đất sai mục đích. Đặc biệt, nhiều dự án điện mặt trời được làm dưới vỏ bọc "nông nghiệp công nghệ cao", điều này khiến dư luận đặt ra vấn đề, có hay không việc cấp phép đấu nổi dễ dãi tràn làn, thiếu giám sát và thiếu trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương cho rằng: Bộ Công Thương và ngành điện có trách nhiệm, đảm bảo việc điện mặt trời mái nhà khi đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia phải tuân thủ đúng quy định về hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Quyết định 13, quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật có liên quan trong lĩnh vực điện lực.

Đối với thông tin một số tỉnh Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk triển khai ồ ạt điện mặt trời mái nhà, ông Dũng cho biết Bộ đã chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương kiểm tra tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà tại Tây Nguyên. Hiện nay, EVN đang tổ chức thực hiện.

Trước đó, trong tháng 10 năm 2020, khi nhận được phản ánh của báo chí việc triển khai ồ ạt điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã tổ chức đoàn công tác có sự tham gia của chính quyền địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến kiểm tra tại công ty Điện lực Đắk Lắk và kiểm tra thực địa.

Ngày 6/1, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã có công văn gửi EVN đề nghị khẩn trương kiểm tra, rà soát và báo cáo việc thực hiện công tác xác nhận ngày vận hành của các hệ thống điện mặt trời mái nhà, đặc biệt là các hệ thống đưa vào vận hành trong cuối tháng 12 năm 2020 để đảm bảo việc triển khai cơ chế khuyến khích phát triển loại điện này của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện đúng quy định hiện hành.

Đến ngày 07/01, EVN đã ban hành Quyết định thành lập Đoàn công tác để kiểm tra tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại Tổng công ty Điện lực miền Nam và Tổng công ty Điện lực miền Trung.

"Khi nhận được báo cáo kết quả Đoàn công tác của EVN, Bộ Công Thương sẽ cung cấp thông tin thêm đến các cơ quan báo chí, truyền thông biết", lãnh đạo Cục điện lực và năng lượng tái tạo khẳng định.

ĐMTMN phải được lắp đặt trên mái nhà các công trình xây dựng có công năng độc lập

Theo quy định, các công trình điện mặt trời trên 1 MWp phải được Bộ Công Thương phê duyệt. Do đó, nhiều chủ đầu tư đã chia nhỏ dự án, với công suất dưới 1 MWp nhằm tránh nhiều thủ tục liên quan và được hưởng giá bán điện cao.

Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đã có văn bản hướng dẫn. Trong đó, nhấn mạnh hệ thống điện mặt trời mái nhà phải được lắp đặt trên mái nhà của các công trình xây dựng có công năng độc lập.

"Quan điểm của Bộ Công Thương là các cá nhân, tổ chức khi phát triển ĐMTMN, thực hiện đúng quy định các quy định về hệ thống điện mặt trời mái, về xây dựng, về đất đai, PCCC, môi trường... như đã nêu trên thì đều được hưởng ưu đãi, khuyến khích của Nhà nước", lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định.

Trước câu hỏi, trách nhiệm của ngành điện lực ở đâu khi cho phép đấu nối nhưng thiếu kiểm soát, khi cho phép công ty năng lượng chưa đủ điều kiện vận hành vẫn cho đấu nối để hưởng giá ưu đãi, Bộ Công thương chỉ cho biết rằng, các công trình ĐMTMN khi đấu nối và vận hành thương mại phải tuân thủ các quy định về Lưới điện phân phối cũng như các quy định về cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Quy định về ĐMTMN. Các đơn vị ngành Điện không được yêu cầu các hồ sơ nằm ngoài các quy định được nêu ở trên.

Trong quá trình thực hiện, đối với các nội dung phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, EVN cũng đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực thực hiện rà soát, xác minh làm rõ và báo cáo tới các cơ quan quản lý tại địa phương và cơ quan báo chí ngay sau khi nhận được thông tin. Hiện nay, các đơn vị đang tiếp tục kiểm tra, rà soát tổng thể việc tuân thủ thực hiện việc thỏa thuận, đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện tại các Công ty Điện lực.