TPHCM nói gì về phản ánh giá cả hàng hóa leo thang theo giá xăng dầu?
(Dân trí) - Sở Công Thương TPHCM khẳng định, giá các các mặt hàng thiết yếu tại siêu thị sẽ được giữ đến cuối tháng 3. Tuy nhiên, giá các mặt hàng tại chợ có thể tăng do các chi phí liên quan tăng cao.
Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) chiều 14/3, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố, cho biết, ngay từ đầu năm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã nhận định giá dầu sẽ tăng vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Trên thực tế, xung đột Nga - Ukraine xảy ra cùng nhiều lý do khác đã khiến giá dầu tăng chạm ngưỡng 140 USD/thùng, tác động lớn đến công tác cung ứng xăng, dầu trong nước.
Mặt khác, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn thời gian qua đã có thời điểm ngừng hoạt động. Đến nay, nhà máy này đã khôi phục 80 - 85% và sẽ phục hồi 100% vào cuối tháng 3, đầu tháng 4.
Lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM cho biết, để đảm bảo cung ứng xăng dầu, từ cuối tháng 2, Bộ Công Thương đã có kế hoạch tính toán, đảm bảo nguồn cung ứng. Qua đó, 10 đầu mối nhập khẩu sẽ bổ sung lượng hàng 2,4 triệu m3 xăng dầu.
"Với kế hoạch này, nguồn xăng, dầu sẽ cơ bản đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước", ông Nguyễn Nguyên Phương khẳng định.
Tại TPHCM, do năng lực tiếp nhận, cung ứng các nhà phân phối, việc thiếu xăng, dầu cục bộ vẫn xảy ra. Tuy nhiên, Sở Công Thương khẳng định, các thương hiệu lớn về xăng dầu trên địa bàn vẫn đảm bảo nguồn cung ứng và dự trữ.
Ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin thêm, trước các kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, người dân thường tập trung mua dự trữ, một số cửa hàng có lượng mua trong một thời điểm lớn, ảnh hưởng đến việc cung ứng. Mặt khác, các xe bồn cung cấp xăng đến cây xăng chỉ được lưu thông ban đêm khiến lượng xăng bị thiếu hụt.
"Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ làm việc với Sở GTVT tính toán phương án cấp phép thêm cho một số xe bồn chở xăng lưu thông giờ cao điểm", lãnh đạo Sở Công Thương cho hay.
Về phản ánh leo thang theo giá xăng dầu, ngành Công Thương TPHCM nhận định, việc tăng giá một số mặt hàng liên quan đến nhiều yếu tố. Trong đó, áp lực tăng giá chủ yếu liên quan đến đà tăng của chi phí sản xuất, chi phí xăng dầu.
Tuy nhiên, qua theo dõi, các hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, siêu thị mini...) có giá cả tương đối ổn định và đồng nhất. Hiện nay, một số nhà cung cấp đã đề xuất điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng nhưng các hệ thống đang xem xét, tính toán, chưa chấp thuận.
"Với cam kết của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá, giá cả hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu một tháng trước và một tháng sau tết sẽ được giữ ổn định. Do đó, chúng ta yên tâm từ nay đến cuối tháng 3, các mặt hàng này vẫn giữ giá", ông Nguyễn Nguyên Phương khẳng định.
Tuy nhiên, ngành Công Thương thành phố nhận định, các loại hàng hóa tại chợ truyền thống vẫn có khả năng điều chỉnh liên tục. Đặc biệt là các mặt hàng tươi sống, rau củ, quả sẽ tăng do liên quan chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển, chi phí xăng dầu...