1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chủ cây xăng than thở: Bán hàng mỏi tay vì khách đông, 23h mới được ăn tối

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Một chủ cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội cho biết lượng xăng bán ra trong ngày 10/3 cao đột biến, ước chừng gấp 5 lần ngày bình thường. Nhân viên mắc Covid-19, ông phải ra đổ thay, 23h mới được ăn tối.

Chủ cây xăng than thở: Bán hàng mỏi tay vì khách đông, 23h mới được ăn tối - 1

Khách ùn ùn đi đổ xăng cả đêm trước tin giá xăng sắp tăng (Ảnh: Trần Kháng).

Lượng khách tăng đột biến

Gần 23h ngày 10/3, ông Thắng, giám đốc một cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở La Khê, Hà Đông (Hà Nội), mới được nghỉ ngơi để ăn cơm tối. Ông cho biết, khách tấp nập suốt từ 14h cho đến hơn 22h mới vãn, gần 23h mới có thể ngơi tay. "Cửa hàng thì có 2 nhân viên bị Covid-19 nghỉ nên tôi phải ra đứng bán thay mới kịp, lượng khách quá đông", ông Thắng kể.

Chưa thống kê doanh số cụ thể ngày 10/3 nhưng ước chừng theo ông Thắng, khách đông hơn nhiều so với dịp Tết và có thể gấp 5 lần bình thường. "Kể ra chiết khấu được một chút thì đông mấy, vất vả mấy cũng an ủi. Nhưng với giá cả, chiết khấu hiện nay thì vẫn cứ điệp khúc càng bán càng lỗ, chúng tôi rất mệt mỏi", ông Thắng chia sẻ.

Ông Minh, giám đốc doanh nghiệp xăng dầu có địa chỉ ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cũng cho biết hệ thống bán lẻ công ty ông ghi nhận lượng người mua tăng đột biến, phải huy động tối đa công suất để phục vụ.

Theo một số chủ cửa hàng xăng, người dân đổ xô đi mua để tranh thủ trước kỳ tăng giá ngày 11/3. Thị trường vừa trải qua tới 6 lần tăng giá liên tiếp, xăng dầu đều ở ngưỡng giá kỷ lục. Lo ngại sẽ phải thêm tiền sau khi kỳ điều chỉnh tăng giá thứ 7 liên tiếp này, nhiều người dân tranh thủ đi mua xăng.

Thậm chí, theo ghi nhận của Dân trí, một số người dân còn mang can, bình… mua dự trữ xăng - cảnh tượng có lẽ nhiều năm mới lại xuất hiện ở Hà Nội. Đến tối 10/3, nhiều cây xăng vẫn trong tình trạng đông nghẹt người, có những điểm người dân xếp hàng dài chờ đến lượt. Nhiều người phải đợi cả nửa tiếng đồng hồ.

Chủ cây xăng than thở: Bán hàng mỏi tay vì khách đông, 23h mới được ăn tối - 2

Nhiều người dân mang can, chai nhựa đi mua xăng tích trữ (Ảnh: Trần Kháng).

Hình ảnh người dân Hà Nội đổ xô đi mua xăng đã từng diễn ra hồi tháng 5/2020. Ở thời điểm đó, ngay sau khi có thông tin giá xăng có thể bật tăng trở lại sau chuỗi giảm sâu liên tiếp tới 8 phiên, nhiều người đã ùn ùn đi đổ xăng, tranh thủ mức giá rẻ chưa từng có. Nay thì diễn biến khác, sau nhiều phiên liên tiếp tăng giá, người dân tranh thủ đổ xăng để "đỡ được đồng nào hay đồng ấy".

Trao đổi với Dân trí tối 10/3, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đã nắm được thông tin việc người dân ùn ùn mua xăng. Vị này khuyến nghị người dân sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hiệu quả và không tích trữ vì còn ảnh hưởng tới an toàn, phòng cháy chữa cháy.

Lại đóng cửa, nghỉ bán sớm trước ngày tăng giá

Thị trường xăng dầu hiện vấp phải cảnh rối ren khi chịu tác động lớn từ những biến động thế giới. Theo Bộ Công Thương, hiện nay, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô, xăng dầu thành phẩm.

Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu đang tăng mạnh khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế. Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã lên mức 125,68 USD/thùng đối với dầu WTI và mức 130,53 USD/thùng đối với dầu Brent (ngày 9/3) và vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu đã tăng lên mức 142-158 USD/thùng (giá ngày 7/3), tăng 51-69 USD/thùng so với đầu tháng 1.

Bộ Công Thương cho biết, với mức giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới nêu trên, giá xăng dầu thành phẩm trong nước sẽ bị tác động lớn, đẩy giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 11/3 có thể tăng 5.000 - 8.000 đồng/lít/kg tùy loại so với giá xăng dầu đầu năm 2022.

Giá tăng cao kèm theo những ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì nguồn cung trong nước. Những hành vi ngừng bán, bán nhỏ giọt xuất hiện liên tiếp gần đây trong bối cảnh thị trường xăng dầu vấp phải nhiều biến động. 

Mới đây, lực lượng quản lý thị trường tỉnh An Giang phát hiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, ngừng bán xăng dầu cho người tiêu dùng. Cục Quản lý thị trường Tây Ninh cũng vừa ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một cửa hàng xăng dầu về hành vi giảm lượng xăng bán ra so với thời điểm trước đó. 

Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng cũng báo cáo việc phát hiện 4 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngừng bán hàng trái phép, trong đó có một trường hợp găm hàng.

Còn theo ghi nhận của Dân trí, trước kỳ điều hành ngày 11/3, một số cây xăng tại TPHCM xuất hiện trình trạng treo biển, vẫy tay ra hiệu hết xăng với khách hàng.