Giá xăng tăng cao nhất 8 năm, hàng nhỏ giọt, chuyên gia chỉ cách "hạ nhiệt"
(Dân trí) - Hạ nhiệt "khát" nguồn cung, hay giảm "nóng" giá cả nhưng không khiến doanh nghiệp xăng dầu phải gồng lỗ... là những vấn đề được đặt ra với cơ quan quản lý thị trường xăng dầu hiện nay.
Càng bán càng lỗ, mua hàng nhỏ giọt
Giá xăng RON 95 đã vượt ngưỡng 25.000 đồng/lít, cũng là mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Đi kèm với những biến động về giá là nỗi khổ về nguồn cung.
Ông Thắng, chủ một cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở Hà Đông (Hà Nội), cho biết, dù chiết khấu 0 đồng, càng bán càng lỗ, nguồn cung gặp nhiều khó khăn song hệ thống vẫn cố gắng bán đủ cho khách hàng. Tuy nhiên, ông chủ cửa hàng xăng dầu này yêu cầu nhân viên chỉ bán cho những phương tiện tham gia giao thông trực tiếp. Còn những trường hợp mua gom số lượng lớn bằng thùng, bằng can để tích trữ thì sẽ từ chối.
"Doanh nghiệp khó khăn lắm. Hoa hồng bằng 0 đồng, lỗ tiền vận chuyển, chi phí bán hàng, mặt bằng, lãi vay… Cứ đà này thì doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi phải đóng cửa mất", vị này chia sẻ.
Trong khi đó, ở khu vực phía Nam, thị trường xăng dầu có những diễn biến phức tạp hơn. Báo chí đã vào cuộc, phản ánh một số cây xăng chỉ bán cho người tiêu dùng theo định mức 30.000 đồng mỗi xe máy, tức mỗi người dân chỉ được mua hơn 1 lít xăng.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp xăng dầu đều phản ánh mức chiết khấu xuống thấp, thậm chí bằng 0 đồng nên bán nhiều sẽ lỗ nhiều. Do cung cấp mặt hàng thiết yếu nên việc kinh doanh ở mức duy trì, cầm chừng.
Điều đáng nói là thực trạng này không chỉ "ngày một, ngày hai" mà đã diễn ra một thời gian dài. Theo báo cáo từ các địa phương ở thời điểm từ tháng 1 đến trước hôm điều chỉnh ngày 11/2, lực lượng quản lý thị trường phát hiện nhiều đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân như không có đủ nguồn cung, không có đủ nhân lực…
Về vấn đề nguồn cung, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết ngày 14/2, Bộ Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đầu mối, thương nhân phân phối cung cấp các số liệu liên quan tới lượng hàng mua trực tiếp từ các nhà máy lọc dầu trong nước; lượng xăng dầu thực tế các đơn vị sản xuất trong nước đã giao từ đầu năm 2022 đến nay cũng như cập nhật kế hoạch cung cấp xăng dầu cho thị trường, kế hoạch nhập khẩu…
Từ dữ liệu này, Bộ sẽ tính toán tổng nguồn, giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu để đảm bảo nguồn trong nước khi rơi vào kịch bản xấu nhất.
Bộ Công Thương cũng khẳng định tổng nguồn sẽ đáp ứng đầy đủ cho tổng cầu nền kinh tế. Trong đó cả phương án đề phòng phương án xấu nhất Nghi Sơn không hoạt động bình thường.
Hạ nhiệt về giá cách nào?
Một giám đốc doanh nghiệp phân phối xăng dầu ở Hà Nội dự báo giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh tới (ngày 21/2) vẫn còn áp lực tăng rất cao nữa trong bối cảnh giá thế giới chưa hạ nhiệt.
Theo vị này, chưa cần tính đến hôm nay, ngay hôm giá tăng lên kỷ lục (ngày 11/2- PV), doanh nghiệp vẫn lỗ. "Điều hành xăng dầu hiện bất cập lắm. Nhiều dự báo giá dầu thế giới còn tăng lên tới 120 USD/thùng, thậm chí còn có dự báo sốc lên tới 150 USD/thùng. Cứ với đà này, tình trạng bất ổn của thị trường trong nước còn kéo dài, lặp đi lặp lại", vị này cho rằng, nhiều doanh nghiệp kéo dài 1-2 tháng tình trạng này sẽ phá sản.
Nói với Dân trí, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho biết, dư địa để "hạ nhiệt" giá xăng dầu bây giờ chỉ còn thuế phí. Ông cho rằng cơ quan quản lý cũng cần tính toán, có kiến nghị, giải pháp về việc giảm thuế nhập khẩu để doanh nghiệp giảm chi phí, hạ nhiệt giá cả. Liên Bộ cần phối hợp linh hoạt trong vấn đề này.
"Phải tính toán làm sao để trong những lúc căng thẳng thế này, lợi ích của doanh nghiệp giảm đi, nhưng không đồng nghĩa với việc để họ lỗ kéo dài. Nếu lỗ triền miên họ đóng cửa, làm sao để thông suốt được nguồn cung? Cũng không thể ép họ để họ phải mọi biện pháp lảng tránh, trốn tránh kinh doanh", ông Cường nêu quan điểm và cho rằng Nhà nước trong những thời điểm đặc biệt, biến động như hiện nay nên dùng các công cụ như thuế phí.
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu cũng cho rằng, thay vì để quỹ bình ổn, Nhà nước nên bình ổn đối với mặt hàng xăng dầu thông qua công cụ thuế và các chính sách khác. Không kiến nghị thả nổi mặt hàng này song theo doanh nghiệp, cơ quan điều hành nên quản lý theo định mức cho doanh nghiệp để đảm bảo doanh nghiệp có thể tồn tại, không để doanh nghiệp đứng ra trích tiền... bình ổn, như vậy thị trường mới bền vững.
Trả lời câu hỏi dư địa các công cụ điều hành tới đây sẽ ra sao khi đà tăng giá của thị trường thế giới chưa có điểm dừng và hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở nhiều doanh nghiệp đầu mối đang âm lớn, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho biết, tính tổng thể, Quỹ bình ổn giá xăng dầu có đơn vị âm, có doanh nghiệp vẫn dương.
Song quỹ này cũng có hạn, nên theo vị này, tới đây diễn biến giá dầu thế giới tăng quá cao, có thể đạt 100 USD/thùng, tác động tiêu cực tới kinh tế trong nước sẽ phải dùng các công cụ khác như thuế, phí. Bởi nếu giá xăng dầu trong nước quá cao có thể làm vô hiệu hóa một số chính sách của chương trình phục hồi kinh tế tổng thể mà Chính phủ đang tiến hành.
"Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn để ngỏ khả năng kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép lựa chọn thời điểm thích hợp điều hành giá xăng dầu khi tình hình thị trường "căng" hơn", ông Đông nói.
Báo cáo giải pháp với Bộ trưởng Công Thương tại cuộc họp hôm 9/2, lãnh đạo Vụ thị trường trong nước cũng nêu việc phối hợp với Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá thế giới, phù hợp với cung cầu để đảm bảo khuyến khích doanh nghiệp duy trì nguồn cung, hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu…
Theo thống kê của Bộ Công Thương, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới giữa hai kỳ điều hành giá gần nhất là 104,6 USD/thùng xăng RON 95 (tương đương 2.374.420 đồng/thùng). Mà một thùng xăng chứa 158,97 lít, nên giá 1 lít xăng RON 95 tại cảng có giá khoảng 14.936 đồng.
Áp dụng công thức tính giá cơ sở, giá xăng RON 95 lúc này phải cộng thêm thuế nhập khẩu 10% (tương ứng 1.493 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (tương ứng 1.493 đồng), VAT 10% theo giá bán (khoảng 2.532 đồng) và thuế bảo vệ môi trường cố định 4.000 đồng/lít. Tổng chi cho 4 sắc thuế là 9.518 đồng/lít, tức chiếm 38% giá thành bán ra của một lít xăng RON 95 (giá 25.322 đồng/lít).
Ngoài ra, mỗi lít xăng cũng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức (1.050 đồng/lít), lợi nhuận định mức (300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn (300 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Như vậy, tổng chi cho các khoản thuế, phí đã lên tới 11.168 đồng/lít, chiếm 44% giá thành bán ra của một lít xăng RON 95. Còn giá sau khi cộng thuế phí mà chưa tính lợi nhuận của doanh nghiệp đã là 26.104 đồng/lít, tức doanh nghiệp đang kinh doanh dưới giá vốn, càng bán càng lỗ.
Văn Hưng