TPHCM: Hành động dán băng rôn phản đối Grab, Uber là “không hay”

(Dân trí) - Thành ủy TPHCM cho rằng việc tài xế của hãng taxi Vinasun dán băng rôn sau xe để phản đối Grab, Uber là “không hay”, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố.

Chiều nay (9/10), tại Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã diễn ra cuộc họp liên quan đến việc tài xế taxi Vinasun dán 2 khẩu hiệu phản đối Grab, Uber và đề nghị dừng thí điểm dịch vụ này vì bất công trong kinh doanh.

Trong 2 ngày qua, tài xế taxi Vinasun dán 2 khẩu hiệu sau xe với nội dung: “Yêu cầu Grab, Uber chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam” và “Đề nghị dừng thí điểm Grab, Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”.

Tài xế taxi Vinasun dán băng rôn phản đối Grab, Uber được đánh giá là không đẹp, ảnh hưởng đến hình ảnh TPHCM
Tài xế taxi Vinasun dán băng rôn phản đối Grab, Uber được đánh giá là "không đẹp", ảnh hưởng đến hình ảnh TPHCM

Tại đây, ông Tạ Long Hỷ - Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam, Giám đốc Taxi Vinasun - một lần nữa khẳng định hành động của tài xế là tự phát, doanh nghiệp không có chủ trương.

Tuy nhiên, theo ông Hỷ, do vấn đề này đã ảnh hưởng nhiều mặt về chính trị và dư luận xã hội nên tại cuộc họp nội bộ của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam tổ chức trưa cùng ngày, lãnh đạo công ty đã chỉ đạo phải chấm dứt ngay việc gắn thêm các decal phản đối Grab, Uber.

“Riêng những phương tiện đã gắn các decal nêu trên cũng sẽ tiến hành tháo gỡ, chậm nhất đến sáng 10/10 phải thực hiện xong”, ông Hỷ nói.

Cũng theo ông Tạ Long Hỷ, công ty sẽ theo dõi sát các diễn đàn mạng xã hội để có biện pháp định hướng thông tin, tránh tình trạng tài xế lôi kéo hoặc bị lôi kéo, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Tại cuộc họp, ông Trần Quang Lâm - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM - cho biết trong sáng nay, Thành ủy TPHCM cũng đã có cuộc họp và đánh giá hành động của tài xế Vinasun là “không hay”, “hình ảnh phản cảm”. TPHCM là nơi có sức lan tỏa lớn nên lãnh đạo TP đã chỉ đạo các xe có gắn băng rôn phải nhanh chóng gỡ bỏ.

“Còn đối với nội dung ghi trên các băng rôn có ảnh hưởng tới quyền lợi, hoạt động kinh doanh của Grab, Uber hay không thì hiện Sở Công thương và Sở Tư pháp TP đã phân tích cụ thể. Việc này cũng sẽ được thực hiện theo đúng quy trình”, ông Lâm nói.

Ông Trần Quang Lâm đánh giá việc Vinasun đã tổ chức họp để kiểm soát vấn đề và chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ các băng rôn là việc rất kịp thời trước phản ứng của dư luận.

Cũng theo ông Lâm, những kiến nghị của Hiệp hội Taxi TPHCM về những bất cập trong chính sách quản lý giữa taxi truyền thống và Uber, Grab thì Sở GTVT đã tham mưu UBND TP kiến nghị Bộ GTVT cùng Chính phủ nhanh chóng rà soát để có điều chỉnh nhằm phù hợp với tình hình thực tế.

Liên quan đến hành động của tài xế taxi Vinasun, tại cuộc họp sáng nay, Thành ủy TPHCM cho rằng, việc thí điểm là chủ trương mà Chính phủ đã cho phép và Bộ GTVT là đơn vị chủ trì đề án và triển khai ở các tỉnh, thành lớn, riêng TPHCM đã triển khai từ tháng 1/2016.

Đến nay, số lượng xe Grab, Uber cùng với xe chạy hợp đồng dưới 9 chỗ là khoảng 20.000 chiếc. Trong khi đó, số lượng taxi là khoảng 11.000 chiếc. Từ năm 2010, TPHCM đã khống chế số lượng taxi do hạn chế về hạ tầng. Tuy nhiên, khi thí điểm Grab, Uber thì số lượng xe dưới 9 chỗ tăng nhanh.

Thành ủy TPHCM cho rằng do trong giai đoạn thí điểm nên phát sinh những vấn đề chưa lường hết. Hành động của tài xế Vinasun là “không hay”. Để không làm ảnh hưởng đến hình ảnh và hoạt động kinh doanh trên địa bàn, Thành ủy đề nghị tài xế Vinasun cần tháo gỡ băng rôn càng sớm, càng tốt.

Quốc Anh