Từ vụ taxi Vinasun phản đối Uber, Grab: Cạnh tranh lành mạnh hay... "tự sát"?

(Dân trí) - Sự cạnh tranh không chỉ khốc liệt với các doanh nghiệp trong nước mà còn với doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam vốn rất nhiều thế mạnh. Các doanh nghiệp Việt đang gặp nhiều khó khăn và dễ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm pháp luật.

Việc nhiều xe taxi của hãng Vinasun dán decal sau xe với khẩu hiệu phản đối Uber, Grab theo nhiều chuyên gia kinh tế, truyền thông thì đây sẽ là đòn "gậy ông đập lưng ông". Các diễn đàn trên mạng cũng đều bày tỏ thái độ không tán thành với cách làm của Vinasun. Đây là vụ việc điển hình về sự cạnh tranh giữa mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình kinh doanh hiện đại, có ứng dụng công nghệ. Về lâu dài, chắc hẳn nếu không "tự làm mới mình", các doanh nghiệp trong nước sẽ rất vất vả, phải dùng những hình thức tương tự như Vinasun và như vậy sẽ "lợi bất cập hại".

Vinasun đang bị cộng đồng mạng phản ứng dữ dội sau khi dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab
Vinasun đang bị cộng đồng mạng phản ứng dữ dội sau khi dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab

Trong cuộc trò chuyện đầu tuần, TS Bùi Quang Tín, CEO Trường doanh nhân BizLight đã có những chia sẻ với Dân trí về "cạnh tranh giữa doanh nghiệp truyền thống và công nghệ".

Cạnh tranh đậm sắc màu... công nghệ

Ở góc độ chuyện gia kinh tế, ông nhận định thế nào về tính cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) trong nước với DN nước ngoài hiện nay?

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, quản trị xã hội, dịch vụ, thương mại… từ đó làm cho cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau mang đậm màu sắc công nghệ hiện đại hơn so với trước rất nhiều.

Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong nước thời gian qua thể hiện rất rõ giữa các DN truyền thống và các DN ứng dụng công nghệ mới. Ví dụ như trong lĩnh vực xổ số thì có Vietlott và xổ số truyền thống, hay taxi thì có Uber/Grab và taxi truyền thống… Các mô hình sản xuất kinh doanh truyền thống đang gặp vô vàn các khó khăn và hiệu quả kinh doanh cũng đang giảm đáng kể.

Đối với sự cạnh tranh với các DN nước ngoài thì Việt Nam hiện đang được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ năng động, hấp dẫn nhất trong khu vực châu Á và trên thế giới. Với sự mở cửa thị trường theo các cam kết hội nhập và sự tham gia ngày càng nhiều của các DN lớn trên thế giới tại Việt Nam, sức ép cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực ngày càng tăng đối với doanh nghiệp Việt. Đặc biệt, cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ rất khốc liệt, nhất là khi nhà doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế cạnh tranh hơn so với doanh nghiệp Việt về vốn, mặt bằng. Các doanh nghiệp này có công ty mẹ là những DN lớn toàn cầu, trường vốn và có chiến lược chịu lỗ nhiều năm để xây dựng mạng lưới, đội ngũ uy tín, thương hiệu trước khi kiếm lời tại Việt Nam. Doanh nghiệp ngoại còn có mức độ chuyên nghiệp, có sự tin cậy từ nhà cung ứng hàng hóa trong và ngoài nước; có phương thức thanh toán linh hoạt, ….

Do đó, sự cạnh tranh không chỉ khốc liệt với các DN trong nước mà còn với DN nước ngoài vào thị trường Việt Nam với rất nhiều thế mạnh như đã nói ở trên. Từ đó, các DN đang gặp nhiều khó khăn và dễ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh của các DN Việt và vi phạm pháp luật.

Cạnh tranh không lành mạnh như vậy dẫn đến nguy cơ gì?

Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các DN dễ dẫn đến sự vi phạm pháp luật trong nước và vi phạm các thoả thuận trong các Hiệp định tư do thương mại mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Thậm chí, cạnh tranh không lành mạnh chính là chúng ta đang cầm dao tự sát.

Nếu không chủ động, doanh nghiệp nội sẽ phải chấp nhận thua ngay trên sân nhà khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực ngày càng mạnh. Một cách khách quan, doanh nghiệp nội còn thua kém nhà đầu tư nước ngoài nhiều mặt: hệ thống liên kết chuỗi, các DN tuy có nhiều cải tiến nhưng vẫn thiếu chuyên nghiệp, từ công nghệ quản trị chuỗi, tổ chức trưng bày hàng hóa, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu…. Ngoài ra, DN Việt thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường; có tình trạng doanh nghiệp trong nước không những không liên kết mà còn chơi xấu nhau như: bán dưới giá thành, khuyến mãi không lành mạnh….

Từ đó thị trường trong nước sẽ dễ dần rơi vào tay của các DN nước ngoài, dễ tạo nên nhiều DN Việt ngày phá sản càng nhiều.

Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho rằng, cạnh tranh không lành mạnh chẳng khác nào tự sát
Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho rằng, cạnh tranh không lành mạnh chẳng khác nào tự sát

Cạnh tranh không lành mạnh là... "tự sát"

Giải pháp nào cho cạnh tranh lành mạnh và người tiêu dùng được lợi cũng như để các doanh nghiệp nước ngoài không rút khỏi Việt Nam?

DN có nhiều biện pháp cạnh tranh, cạnh tranh giá cả (giảm giá) hoặc cạnh tranh phi giá cả (khuyến mãi, quảng cáo…), hay cạnh tranh về một mức độ nào đó mà ở đó, dưới các điều kiện về thị trường tự do và công bằng có thể sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng được đòi hỏi của thị trường...

Các doanh nghiệp cần phải tăng cường năng lực quản trị kinh doanh; cải thiện sự yếu kém về tầm nhìn chiến lược trong phát triển kinh doanh, cần kết nối với nhau, cạnh tranh để cùng phát triển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú ý phát triển nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ để giảm chi phí năng cao năng suất lao động…

Ngoài ra, các DN cần chú trọng đến 3 yếu tố sau để tăng cường cạnh tranh lành mạnh trên 3 yếu tố: giá cả, chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu sản phẩm.

Để có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại, các doanh nghiệp nội phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách thay đổi tư duy quản lý, quản trị; phải nâng cao trình độ và tay nghề cho người lao động; phải tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, trang bị máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh. Có như vậy, sản phẩm dịch vụ Việt Nam sẽ giữ vững được vị trí của mình trên thị trường trong nước, đồng thời đủ tầm để vươn xa hơn ra thị trường ngoài nước.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện đầu tuần này!

Công Quang (thực hiện)