TPHCM “đói” căn hộ giá rẻ và nhà ở xã hội

(Dân trí) - Công nhân, người lao động nghèo khó có thể tìm mua được những căn nhà giá rẻ và phù hợp với thu nhập của mình tại TPHCM. Bởi những dự án nhà giá rẻ là vô cùng khan hiếm và thậm chí là không có để mua.

“Vàng mắt” kiếm căn hộ dưới 1 tỷ đồng

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có báo cáo lên UBND thành phố về tình hình thị trường bất động sản năm 2018 và kiến nghị các giải pháp để thị trường phát triển minh bạch, ổn định.

Theo HoREA, trong năm 2018, thị trường bất động sản cả nước và TPHCM vẫn giữ được sự phát triển ổn định, không bị "bong bóng" và vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi, tăng trưởng nhưng đã có dấu hiệu sụt giảm cả về nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở và số lượng giao dịch.

TPHCM “đói” căn hộ giá rẻ và nhà ở xã hội - Ảnh 1.

TPHCM đang vô cùng khan hiếm các dự án nhà giá rẻ, vừa túi tiền cho người có thu nhập thấp

Phân khúc bất động sản công nghiệp, văn phòng cho thuê tăng trưởng tốt. Phân khúc căn hộ du lịch (condotel) có dấu hiệu chững lại. Phát triển bất động sản xanh, bất động sản thông minh, an toàn, tích hợp nhiều tiện ích và dịch vụ đang dần trở thành xu thế lựa chọn của chủ đầu tư dự án và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, tình trạng quá thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội, nhất là loại căn hộ cho thuê giá rẻ phù hợp với khả năng tài chính của công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị đang tiềm ẩn yếu tố tác động đến ổn định an sinh xã hội.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, để mua căn hộ dưới 1 tỷ đồng tại TPHCM là vô cùng khó khăn. Người dân chỉ mua được những căn nhà ở xã hội cũ với giá tiền này hoặc những căn hộ diện tích rất nhỏ ở khu vực quận 9, quận 12, quận 8 và quận Bình Tân.

Tuy nhiên, với những căn hộ diện tích nhỏ giá dưới 1 tỷ đồng thì người dân sẽ phải tự hoàn thiện căn nhà của mình và con số cuối cùng để có được căn nhà sẽ lớn hơn số tiền 1 tỷ đồng khá nhiều.

HoREA nhận định, trong năm 2018 đã xảy ra hai đợt “sốt ảo” giá đất nền, đất nông nghiệp nhưng đã được chính quyền các địa phương quyết liệt vào cuộc xử lý và kiểm soát chặt chẽ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, vụ cháy tại tầng hầm chung cư Carina Plaza (phường 16, quận 8) vào tháng 3/2018 đã gây hậu quả thảm khốc làm 13 người tử vong và 51 người bị thương. Vụ cháy này đã làm thay đổi nhận thức và hành động của các chủ đầu tư dự án bất động sản, các doanh nghiệp vận hành nhà chung cư, các ban quản trị chung cư, các Sở, ngành, lực lượng PCCC chuyên nghiệp, UBND các cấp, nhất là cộng đồng cư dân sinh sống tại nhà chung cư.

“Sau vụ cháy, công tác đảm bảo chất lượng công trình, an toàn PCCC, cứu nạn, cứu hộ trong chung cư, nhà cao tầng đã được coi trọng hơn bao giờ hết. Điều này rất có lợi cho người tiêu dùng và cho sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản”, ông Châu nói.

Theo ông Châu, có một yếu tố đáng quan ngại là tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp có xu hướng tăng trong phân khúc thị trường nhà ở cao cấp, trung cao cấp, cần có chính sách điều tiết hiệu quả trong thời gian tới để đảm bảo sự phát triển bền vững.

TPHCM “đói” căn hộ giá rẻ và nhà ở xã hội - Ảnh 2.

Nguồn cung nhà ở xã hội đảng giảm rõ rệt vì các chủ đầu tư không mấy mặn mà, bởi lợi nhuận từ các dự án này không cao

Thiếu bền vững vì... "sang chảnh"

Hiệp hội Bất động sản cũng đã báo cáo lên UBND TPHCM về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư.

Theo đó, Sở Xây dựng đã trình UBND thành phố phê duyệt 124 dự án nhà ở thương mại, giảm 12,7% so với năm 2017. Trong đó, có 14 dự án chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư 30 dự án, chấp thuận đầu tư 80 dự án.

Năm 2018, UBND thành phố đã chấp thuận cho chuyển nhượng 17/25 dự án bất động sản (M&A) giảm 15% so với năm 2017.

Về nguồn cung sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường, HoREA cho rằng, Sở Xây dựng đã xác nhận 77 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai gồm có 28.316 căn nhà. Trong đó, có 27.166 căn hộ và 1.200 căn nhà thấp tầng, với tổng giá trị huy động vốn đạt 49.277 tỷ đồng.

Các dự án tập trung nhiều nhất tại quận 2 (10 dự án), quận 7 (10 dự án), quận 9 (8 dự án), quận Gò Vấp (8 dự án), quận 8 (7 dự án), quận Thủ Đức (6 dự án), huyện Bình Chánh (6 dự án), các quận Bình Tân, Phú Nhuận, Tân Phú (mỗi quận 4 dự án).

Trong đó, phân khúc cao cấp có 8.502 căn (chiếm tỷ lệ 30%), phân khúc trung cấp có 12.833 căn (chiếm tỷ lệ 45,3%), phân khúc bình dân có 6.981 căn (chiếm tỷ lệ 24,7%).

So với năm 2017 thì nguồn cung bất động sản năm 2018 giảm 18 dự án (giảm 13%). Tổng số căn nhà đưa ra thị trường giảm 16.675 căn (giảm 34,1%). Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm ít nhất, chỉ giảm 2.485 căn (giảm 22,6%). Phân khúc căn hộ trung cấp giảm 6.676 căn (giảm 34,2%). Phân khúc căn hộ bình dân giảm 6.362 căn, tỷ lệ giảm mạnh nhất đến 44,1%.

TPHCM “đói” căn hộ giá rẻ và nhà ở xã hội - Ảnh 3.

Những căn hộ cao cấp đang chiếm tỷ lệ lớn tại TPHCM tiềm ẩn nguy cơ phát triển thiếu bền vững của thị trường bất động sản thành phố.

Theo HoREA, cơ cấu sản phẩm bị mất cân đối, lệch pha cung - cầu, chưa đảm bảo phục vụ mục tiêu an sinh xã hội vì tỷ lệ căn hộ bình dân chỉ đạt 24,7%, chiếm tỷ lệ thấp.

Trong khi đó, phân khúc cao cấp chiếm khoảng 1/3 thị trường (tỷ lệ 30%) và đã xuất hiện dấu hiệu thừa cung tại TPHCM cũng như trong phạm vi cả nước. Bộ Xây dựng cũng đã từng cảnh báo, các chủ đầu tư cần hết sức lưu ý để điều chỉnh kế hoạch đầu tư và kinh doanh phù hợp.

“Đây cũng là biểu hiện lệch pha cung - cầu và là chỉ dấu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững. Bởi lẽ, trong thị trường bất động sản phát triển bền vững, cân bằng thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền chiếm tỷ lệ lớn nhất, tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp, còn phân khúc căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất”, ông Lê Hoàng Châu nói.

Đại Việt – Công Quang