TPHCM đấu giá “khu đất vàng” 164 Đồng Khởi

(Dân trí) - Sau khi liên danh nhà đầu tư Hongkong Land và Sumitomo Reatly & Development (liên danh) có đơn thôi tham gia đầu tư Dự án 164 Đồng Khởi (quận 1), Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân chỉ đạo, khi hoàn tất các thủ tục cần thiết sẽ tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư.

Khu đất 164 đường Đồng Khởi rộng hơn 9.700m2 là 1 trong những “khu đất vàng” nằm trong trung tâm TPHCM được thành phố kêu gọi đầu tư. Khu đất có vị trí rất đắc địa, được bao bọc bởi 3 tuyến đường Đồng Khởi, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng và cạnh còn lại giáp ranh trường Trần Đại Nghĩa. Bên phải khu đất là nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố và quảng trường; bên trái là công viên, Vincom Center và trụ sở UBND TP.

Một phần “khu đất vàng” 164 Đồng Khởi
(ngã tư Lý Tự Trọng – Đồng Khởi)
Một phần “khu đất vàng” 164 Đồng Khởi (ngã tư Lý Tự Trọng – Đồng Khởi)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Sẽ không thể có loại “doanh nghiệp vừa vừa” tồn tại!

* Ngư dân Đà Nẵng đầu tiên được vay tiền Nhà nước đóng tàu mới

* Đà Nẵng “sốt ruột” vì đầu tư FDI giảm mạnh

* Chạy "nước rút" hoàn thiện kế hoạch cổ phần hóa DNNN trong năm 2015

* “Giá dầu có thể giảm về mức 15 USD/thùng”

* Viettel thâu tóm Beeline tại Campuchia

Từ năm 2009, TPHCM đã có chủ trương triển khai đấu thầu “khu đất vàng” này và có gần 70 nhà đầu tư quan tâm, xin tham gia đấu thầu. Một ưu điểm lớn của khu đất là mặt bằng khá “sạch” vì trong 9.700m2 diện tích của khu đất thì gần 5.000m2 là diện tích Sở VH-TT&DL, phần nhà dân và các tổ chức khác chỉ chiếm khoảng 1/2 diện tích nên công tác đền bù, giải tỏa sẽ nhẹ nhàng hơn.

Tuy nhiên, do xảy ra nhiều vướng mắc trong công tác đấu thầu các “khu đất vàng” khác nên đến giữa năm 2013, UBND TPHCM đã quyết định chỉ định thầu cho khu đất 164 Đồng Khởi. Theo đó, Liên danh Hongkong Land và Sumitomo Reatly & Development (liên danh) được chỉ định làm nhà đầu tư khu đất 164 Đồng Khởi này.
 
Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án này khoảng 7.168 tỉ đồng, trong đó, vốn đầu tư xây dựng công trình hơn 3.400 tỉ đồng và tiền bồi thường, hỗ trợ di dời gần 3.800 tỉ đồng.

Cũng do vị trí nằm gần nhiều công trình đặc biệt, khu đất 164 Đồng Khởi được UBND TP khuyến cáo rất kỹ về kiến trúc xây dựng. Thành phố yêu cầu công trình xây dựng trên khu đất này phải hài hòa với các di tích xung quanh, mở rộng tầm nhìn dọc theo đường Đồng Khởi hướng về Nhà thờ Đức Bà và phải bảo tồn được di tích “bốt” Catinat cũ (Thời Pháp thuộc, tòa nhà 164 Đồng Khởi là “bốt” Catinat).

Đầu năm 2014, UBND TP đã cụ thể hóa yêu cầu này bằng quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 đối với khu đất trên. Về chức năng, khu đất có các chức năng quy hoạch xây dựng cụ thể là thương mại – dịch vụ, văn hóa, khách sạn cao cấp, văn phòng tài chính, khu trưng bày triển lãm (không có chức năng căn hộ ở).

Thành phố cũng quy hoạch các chỉ tiêu kiến trúc cơ bản của khu đất này. Công trình xây dựng cũng bị giới hạn chiều cao tối đa là 100m (khoảng 25 tầng). Khối nhà góc Nguyễn Du – Đồng Khởi chỉ được xây khối bệ cao 4 tầng, lùi 6m so với lộ giới, khối tháp chỉ cao từ 10 – 12 tầng. Khối nhà Đồng Khởi – Lý Tự Trọng được xây cao từ 15 – 25 tầng, lùi 10m – 14m so với lộ giới.

Tập đoàn Hàn Quốc muốn đầu tư  5 tỷ USD vào khu đất của Nhà máy đóng tàu Ba Son

Dự án tại khu đất của nhà máy đóng tàu Ba Son, được tập đoàn EUNSAN và OUE (Hàn Quốc) đề nghị đầu tư với tổng vốn là 5 tỷ USD, là một dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố góp phần chỉnh trang đô thị theo quy hoạch khu trung tâm thành phố đã được duyệt, đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật khác trong khu vực như cầu Thủ Thiêm 2, Tuyến metro số 1…

Tuy nhiên theo UBND TP, đây là đất quốc phòng do Chính phủ và Bộ Quốc phòng quyết định. Vì vậy, nếu được Chính phủ và Bộ Quốc phòng đồng ý chủ trương giao TPHCM thực hiện triển khai dự án theo quy hoạch, UBND TP sẽ hỗ trợ tập đoàn này khởi công xây dựng công trình.

Cũng liên quan đến khu đất này, UBND TP giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, UBND Quận 1 và các sở - ngành liên quan nghiên cứu và đề xuất việc quy hoạch và xây dựng, tôn tạo Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Xưởng cơ khí Ba Son thành một bảo tàng về lịch sử cách mạng Việt Nam, phong trào đấu tranh công nhân Ba Son và dấu ấn của nguyên Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Công trình phải bảo đảm sự hài hòa về kiến trúc với Dự án tại khu đất của Nhà máy đóng tàu Ba Son sẽ được xây dựng trong tương lai.

Quốc Anh