Tổng thầu Trung Quốc thất hứa: Hành động mạnh mẽ hơn!

"Chúng ta không thể chỉ kêu gọi, mà phải dựa vào hợp đồng, dựa vào Luật, kể cả sập giàn giáo cũng dựa vào Luật mà xử lý".

Chưa mạnh dạn xử lý theo hợp đồng

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Đó là nhận định của chuyên gia giao thông đô thị TS Phạm Sanh - nguyên Giảng viên trường ĐH Bách Khoa TPHCM, trước việc Ban Quản lý (BQL) dự án đường sắt, ngày 28/3, đã gửi văn bản lên Bộ GTVT và Tổng thầu Trung Quốc về chất lượng và tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Chia sẻ với Đất Việt, ngày 30/3, TS Phạm Sanh cho biết: "Trong quá trình triển khai gặp các vấn đề chậm tiến độ, chất lượng thi công thấp, chắc chắn là do trong quá trình lựa chọn nhà thầu (tổ chức đấu thầu) đã có sơ hở. Cụ thể là vấn đề về năng lực, đặc biệt năng lực chuyên môn của nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu của dự án".

Tuy nhiên, theo ông Sanh thì đây là bài toán chung các dự án mang màu sắc vay vốn nước ngoài, hoặc các dự án BOT, cụ thể là các dự án đầu tư hạ tầng giao thông vay nước ngoài, không riêng gì đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

"Để thấy, thứ nhất, đó là chúng ta đang yếu kém trong việc quản lý hợp đồng. Thứ hai, tồn tại này là do chúng ta sử dụng hợp đồng BCC, cho phép Tổng thầu được tính trượt giá theo thị trường, đảm nhận gần như gói thầu hỗn hợp đi từ cung ứng, thiết kế, thi công. Việc cho tính trượt giá rất nguy hiểm, chắc chắn sẽ làm cho tiến độ chậm, kéo dài để nâng số tiền trượt giá", ông Sanh cho biết thêm.

Mặt khác, theo ông Sanh thì biết là trong hợp đồng ký kết cũng quy định rõ nếu không đảm bảo được tiến độ, vi phạm thì có chế tài xử phạt. Nhưng, hiện nay vấn đề quản lý trượt giá ở Việt Nam vẫn còn bao cấp, chế độ bao cấp này thể hiện ở việc, giá cả phải dựa vào ý kiến Bộ xây dựng.

Một là, quản lý hợp đồng không tốt; hai là, ký hợp đồng BCC mà cho trượt giá, đây là kẽ hở rất lớn của hệ thống pháp luật VN, để cho nhà thầu lợi dụng, nhóm lợi ích lợi dụng, để làm tổn hại cho nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Vì vậy, nếu giải quyết và làm tốt được cả hai việc này thì sẽ giảm được nhiều hậu quả sau này, không chỉ có đường sắt Cát Linh - Hà Đông, mà cho cả những công trình hạ tầng khác, với vốn đầu tư nước ngoài, dạng hợp đồng BCC.

Cắt đứt hợp đồng nếu cố tình tái phạm

Theo ông Sanh phân tích, thì trước đây, chúng ta có thể sử dụng biện pháp đó là nói chuyện đàm phán giữa các bên, xử lý công việc qua lời nói, chủ yếu uy tín là chính.

Nhưng bây giờ chúng ta phải chuyển qua hợp đồng, dựa trên hợp đồng để mà yêu cầu nhà thầu thực hiện theo cam kết trong hợp đồng. Luật thế giới hay VN đều vậy, Luật đấu thầu, Luật xây dựng, Luật đầu tư, phải dựa vào các điều khoản trong hợp đồng mà quản lý.

Ông Sanh khẳng định: "Trong điều khoản chắc chắn có quy định nhà thầu vi phạm thì nhắc nhở, thời gian nhắc nhở là bao lâu, phương án cuối cùng là xóa hợp đồng, lỗi bên nào bên đó chịu trách nhiệm".

Bởi theo ông Sanh, chúng ta không thể kêu gọi lòng thương, mà phải dựa vào hợp đồng, dựa vào Luật, kể cả sập giàn giáo cũng dựa vào Luật mà xử lý.

Để giải quyết được, ông Sanh cho hay: "Đây là hiện tượng phổ biến của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, như BCC, BOT, nhưng quan trọng là quản lý hợp đồng ngay từ ban đầu không tốt, nên phải căn cứ theo hợp đồng thiếu đâu sửa đó, xử lý theo hợp đồng".

Theo ông, thì nguyên nhân chủ yếu là do ở VN vấn đề thứ nhất chưa coi trọng hợp đồng; thứ hai, ký hợp đồng vẫn có lỗi sơ sót, nên sợ đưa ra bị bắt lỗi; thứ ba, không loại trừ vấn đề tiêu cực, đi lại giữa bên A và bên B, nên cứ theo pháp luật mà xử.

Trước đó, trong văn bản của Ban quản lý đường sắt gửi Bộ GTVT đã nêu rõ trong quá trình thực hiện dự án, tổng thầu đã để xảy ra rất nhiều tồn tại như: tiến độ thi công, tiến độ hoàn thành thiết kế kỹ thuật, chỉ dẫn kỹ thuật đều rất chậm. Đặc biệt đã để xảy ra 2 sự cố mất an toàn gây thiệt hại về người và tài sản trong thời gian rất ngắn.

Dù Bộ GTVT và BQL đã tạo điều kiện để rà soát, chấn chỉnh nhằm đảm bảo tiến độ cũng như thi công an toàn, hiệu quả, nhưng tổng thầu đã không tích cực phối hợp với chủ đầu tư và các bộ, ngành liên quan thực hiện như cam kết.

Cũng tại văn bản này, BQL dự án đường sắt yêu cầu tổng thầu phải nhanh chóng xử lý triệt để các tồn tại, gia tăng số lượng nhân viên kỹ thuật có năng lực, kinh nghiệm để quản lý dự án, thanh toán nợ nần cho nhà thầu phụ.
 
Theo Thái Linh
Đất Việt
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”