TPHCM:
“Tổng tấn công” thuốc lá lậu
(Dân trí) - Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) với một lực lượng hùng hậu sẽ "tổng tấn công" thuốc lá lậu. Liệu lần này "giặc" thuốc lá lậu có được dẹp bỏ, trong khi chế tài xử lý các đối tượng vi phạm còn quá nhẹ?
Điểm “nóng” vùng ven
Do khu vực vùng ven TPHCM giáp ranh với huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) là địa bàn nóng về tình trạng buôn bán thuốc lá nhập lậu, mặc dù nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu đã bị triệt phá nhưng vì lợi nhuận lớn (do thuốc lá lậu mang lại cực lớn) trong khi chế tài xử lý quá nhẹ nên nhiều đối tượng vẫn bất chấp để lập ra các đường dây buôn lậu thuốc lá, đưa vào thành phố tiêu thụ.
Hầu hết “căn cứ” của thuốc lá lậu đều nằm ở vị trí “đắc địa”, nơi đây cũng là điểm tập kết thuốc lá lậu từ biên giới về rồi phân cho hàng trăm “nài” chuyển bằng xe máy đến các điểm tiêu thụ bằng đường ĐT787 ra đường Xuyên Á để về Phước Thạnh hoặc theo tỉnh lộ 7 về Phước Thạnh, chỉ cần phát hiện có người đeo bám, “nài” xe lập tức chuyển hàng sang Trảng Bàng (Tây Ninh) hoặc Đức Hòa (Long An)...
Hoặc thuốc lá lậu sẽ được vận chuyển theo tuyến Tỉnh lộ 10 từ Long An qua đến cầu Tân Tạo (quận Bình Tân) rồi hướng về quận 5 (TP.HCM).
Theo một “nài” xe, khi nhận hàng từ các “trùm” thuốc lá lậu để chở đi đến các điểm bán lẻ sẽ được trả từ vài trăm đến cả triệu đồng/ 1 chuyến trót lọt. Tuy nhiên, để “nắm đằng chuôi”, các “trùm” thuốc lá lậu thường đặt ra quy định nếu hàng bị bắt, “nài” phải bồi thường tiền vốn. Chính vì vậy, đã nhận hàng lên xe, “nài” chở thuốc thuê thường chạy bạt mạng bất chấp luật giao thông và sự truy cản của lực lượng chức năng.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí , giá gốc của một gói thuốc lá nhập lậu chỉ có 3.000 - 4.000 đồng/gói nhưng đưa vào Việt Nam bán tới 16.000 - 17.000 đồng/gói. Khảo sát thực tế trên thị trường, có vô số điểm bán thuốc lá nhập lậu. Dù các quy định đã được ban hành khá rõ ràng đối với người sử dụng thuốc lá nhưng xem ra vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Có đẩy lùi được thuốc lá lậu?
Ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường nhìn nhận, tình hình buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp. Thuốc lá nhập lậu chủ yếu qua khu vực biên giới của các tỉnh Long An, Tây Ninh vận chuyển về TPHCM tiêu thụ. Các đối tượng buôn lậu bằng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi để vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu liên tục, bất kể ngày hay đêm. Các “nài xe” chở thuốc lá lậu thường là dân địa phương, thông thạo địa hình, sử dụng các phương tiện chạy tốc độ cao, vận chuyển nhỏ lẻ nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, mặc dù Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia với một lực lượng hùng hậu của nhiều Bộ, ngành tham gia nhưng kết quả việc chống nạn thuốc lá lậu vẫn còn hạn chế, chỉ chiếm 0,9% so với gần 1 tỷ bao thuốc lá nhập lậu hàng năm.
“Các hoạt động triển khai còn thiếu đồng bộ, chưa được triển khai rộng trên phạm vi cả nước hoặc triển khai chưa quyết liệt, chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức; thuốc lá lậu vẫn được nhập lậu ồ ạt và bày bán công khai trên các tủ thuốc, điểm bán lẻ, bán và mua thuốc lá lậu rất dễ dàng. Trong 2 tháng đầu năm 2015, số lượng thuốc lá nhập lậu là 140 triệu bao, không giảm so với cùng kỳ năm 2014. Các loại thuốc lá lậu giá rẻ dưới 5.000 đồng/bao như Elephant, Golden Deer… vẫn nhập lậu qua biên giới; thuốc Jet, Hero tiếp tục được bày bán công khai” - ông Cường thông tin.
Lý giải về những khó khăn vướng mắc trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu thuốc lá, ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: Các đối tượng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi, chặt chẽ. Thuốc lá sản xuất trong nước được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, giá thành cao do phải đóng các loại thuế, trong khi người hút thuốc chưa thay đổi được gu, lợi nhuận từ việc buôn lậu, buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu rất lớn.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong việc trao đổi thông tin, tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm chưa chủ động, chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời, nhiều lúc vẫn còn mang tính cục bộ.
“Do thuốc lá nhập lậu chủ yếu được cất giấu tại địa điểm khác hoặc cất giấu tại nhà ở, các đối tượng kinh doanh dùng nhà ở để làm nơi cất giấu tang vật nên lực lượng Quản lý thị trường rất khó khăn trong công tác ngăn chặn. Chờ đến khi UBND cấp huyện quyết định khám nơi cất giấu tang vật là chỗ ở thì tang vật đã bị tẩu tán” - ông Ngọc khẳng định.
Trong khi các lực lượng chức năng chưa tìm được “tiếng nói chung”, cộng với hàng loạt khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp luật, kinh phí hoạt động…có lẽ nạn buốn bán thuốc lá nhập lậu khó dẹp bỏ, dù cuộc “tổng tấn công” thuốc lá lậu được đưa ra triển khai rầm rộ và quy mô.