Tổng giám đốc EVN: Mỗi kWh điện bán ra lỗ 180 đồng

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Năm 2022, EVN ước lỗ 31.000 tỷ đồng. Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, EVN lỗ đột biến do nguyên nhân khách quan là không được tăng giá điện.

Sáng 15/12, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Đơn vị này đề cập tới tình trạng lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong báo cáo phục vụ hội nghị.

Cụ thể, năm 2022, EVN ước tính lỗ 31.000 tỷ đồng. Theo Ủy ban, EVN lỗ đột biến do nguyên nhân khách quan vì không được tăng giá điện.

Phát biểu sau đó, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN - báo cáo rõ thêm về nguyên nhân khiến cho tập đoàn này lỗ lớn trong năm 2022.

Ông cho biết 2022 là năm khó khăn với EVN và các đơn vị thành viên. Dù doanh thu tập đoàn ước đạt 460.000 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2021, song do biến động giá nhiên liệu gồm cả than, dầu, khí đã làm cho chi phí tăng rất cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Trong đó, riêng than nhập khẩu tăng 6 lần do với đầu năm 2021 và tăng gấp 3 lần so với đầu năm nay. Phần giá than tăng thêm khiến chi phí đội lên tới hơn 47.000 tỷ đồng. Chưa kể, năm 2022, giá dầu cũng biến động lớn. Dù thực hiện các giải pháp nhưng lợi nhuận vẫn âm. Với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.864 đồng/kWh, mỗi kWh điện bán ra thì phía EVN lỗ khoảng 180 đồng, ông thông tin. 

Tổng giám đốc EVN: Mỗi kWh điện bán ra lỗ 180 đồng - 1

Tổng giám đốc EVN cho biết với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.864 đồng/kWh thì mỗi kWh điện bán ra, phía tập đoàn lỗ khoảng 180 đồng (Ảnh: EVN).

Theo quy định, Công ty mẹ EVN chưa bảo toàn vốn. Tuy nhiên lãnh đạo EVN cho rằng Công ty mẹ EVN lỗ do nguyên nhân khách quan, ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng giá đầu vào của chi phí nhiên liệu, đồng thời EVN trích lập dự phòng cho khoản lỗ của các công ty con.

Do vậy, EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ ngành cho điều chỉnh giá điện trong năm 2022 để có thể cân đối tài chính của EVN trong những năm tới.

Tại hội nghị, lãnh đạo EVN tiếp tục kiến nghị Ủy ban tiếp tục báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc sớm áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi. Nhiều kiến nghị khác cũng được tập đoàn này đưa ra như việc Ủy ban chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam tăng cường khai thác than trong nước để cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện, có giải pháp giảm giá bán than cho điện. 

Lãnh đạo EVN cũng nêu khó khăn về dự án chậm tiến độ do quy hoạch, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, vốn..., kiến nghị xem xét phê duyệt dự án đầu tư nhà máy thủy điện Trị An mở rộng, được chấp thuận ký hợp đồng thế chấp tài sản để vay vốn cho dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I...

Năm 2023, tập đoàn này đặt kế hoạch sản lượng điện thương phẩm là 256,2 tỷ kWh. Kế hoạch vốn đầu tư toàn tập đoàn là 96.750 tỷ đồng, trong đó Công ty mẹ EVN là 17.400 tỷ đồng.