Tôn Trung Quốc tràn lan: Người tiêu dùng “thiệt đủ đường”

Nếu như người tiêu dùng luôn cảnh giác với những đồ ăn, thức uống kém chất lượng khi tiêu dùng hàng ngày thì rõ ràng cũng cần phải tỉnh táo khi có nhu cầu mua vật liệu tôn, thép.

Khách hàng “mất cả chì lẫn chài”

Vấn nạn tôn Trung Quốc, tôn nhập khẩu kém chất lượng xâm nhập thị trường Việt Nam không chỉ khiến các doanh nghiệp trong nước phải “căng mình” chống đỡ mà còn khiến khách hàng thiệt hại nặng nề. Cay đắng hơn, không ít người bị đánh lừa, mua phải tôn kém chất lượng mà không hề hay biết hoặc đến khi biết thì cũng đã “quá trễ”.

Anh Nguyễn Huy Hoàng (29 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) nói: “Nhà tôi ở khu tập thể, muốn cơi nới thêm một chút không gian cho nhà đỡ chật nên đã chọn vật liệu tôn về để thi công. Sau khi tham khảo giá của cửa hàng, tôi đặt mua 70m tôn loại độ dày 0.4mm với giá 80.000 đồng/m, trên tấm tôn cũng có ghi rõ độ dày đúng như tôi yêu cầu. Thế nhưng, đến khi mang về tới nhà, thợ thi công cho tôi biết rằng số tôn tôi mua về chỉ có độ dày 0.31mm và giá chỉ khoảng 75.000 đồng/m".

Theo ý kiến của chuyên gia uy tín trong ngành tôn thép, với việc ăn gian về độ dày như vậy, mỗi mét tôn đôn dem chỉ đáng giá 62.000 đồng/m, tức là người tiêu dùng đã bị móc túi trắng trợn 18.000 đồng/m.

Chưa dừng lại ở đó, một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng mà khách hàng mua phải tôn kém chất lượng gặp phải là độ bền của tôn.

Ông Lê Văn Lại (ở Thanh Oai, Hà Nội) cầm miếng tôn hoen gỉ, thủng lỗ chỗ cho hay: “Sau cơn càn quét dữ dội của mấy trận gió lớn, nhà tôi bị quật bay tốc mái. Tôi liền đến những cửa hàng tôn gần nhà để mua. Nhân viên cửa hàng có đưa ra loại tôn được nói là nhập khẩu từ Trung Quốc, có độ dày tương đương các loại tôn khác, giá lại rẻ hơn rất nhiều nên tôi chọn mua. Thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn, mái lợp xuống cấp trầm trọng. Gió gạt qua nhẹ đã ọp ẹp, còn phần mái thì rỉ sét, thủng lỗ chỗ”.

Chưa kể thời gian, công sức, ông Lại tính sơ sơ chi phí sửa chữa hư hỏng gấp đôi, gấp ba khoản tiền bỏ ra mua tôn trước đó.

 

Tôn Trung Quốc tràn lan: Người tiêu dùng “thiệt đủ đường” - 1

 

“Người dân ở nông thôn như tôi làm gì có kiến thức về vật liệu tôn, nghe những lời giới thiệu chuyên nghiệp, lại thấy rẻ ai mà không thích, hơn nữa tôn thật, tôn giả nhìn y hệt nhau chả biết cách nào mà phân biệt”, ông Lại buồn phiền chia sẻ.

Theo tìm hiểu thực tế, đa số những người mua phải tôn Trung Quốc kém chất lượng đều chung suy nghĩ khi đi mua tôn chỉ tham khảo giá của nhiều cửa hàng, rồi chọn nơi rẻ nhất chứ không tìm hiểu kỹ các thông số vật liệu khi thi công nên mới rơi vào tình trạng “mất cả chì lẫn chài”.

Đến lúc người tiêu dùng phải tỉnh táo

Nếu như người tiêu dùng luôn cảnh giác với những đồ ăn, thức uống kém chất lượng khi tiêu dùng hàng ngày thì rõ ràng cũng cần phải tỉnh táo khi có nhu cầu mua vật liệu tôn. những năm qua nhu cầu về tấm lợp tôn tăng mạnh. Kinh doanh tôn đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho tôn kém chất lượng “lộng hành”. Các đối tượng kinh doanh tôn kém chất lượng thường áp dụng các chiêu trò gian lận độ dày của tôn, thương hiệu của tôn… rồi chào giá thấp hơn bán cho các đại lý phân phối. Khách hàng khi mua chỉ quan tâm đến giá sẽ dẫn đến tình trạng tiết kiệm được chỉ khoảng 10% nhất thời nhưng giá trị sử dụng lâu dài bị giảm đi tới 80 - 90%.

Đã đến lúc phải trở thành người tiêu dùng thông thái trong việc chọn mua tôn để các cơ sở buôn bán tôn Trung Quốc kém chất lượng “tự triệt tiêu” vì lối làm ăn manh mún, lừa đảo.

Ông Lê Thế Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, nhiều chủ cửa hàng lợi dụng sự dễ tính và thiếu hiểu biết của khách hàng để bán hàng giả, hàng kém chất lượng giá thấp. Đặc biệt, do nhu cầu trong xây dựng đôi khi không cần đến các loại tôn, thép chất lượng cao, giá đắt mà khách hàng chỉ quan tâm đến những mặt hàng có chất lượng "vừa phải" và giá cả vừa túi tiền.

PV