Tôi đi chợ cá Sydney!

(Dân trí) - Chợ cá Sydney chỉ xếp sau chợ cá Tsukiji Tokyo. Nếu chợ cá Tokyo có từ thế kỷ 16 thì chợ cá Sydney mới được thành lập từ năm 1945.

Nhưng tiếng vang của Chợ cá Sydney đã vượt qua nhiều chợ cá đẳng cấp ở châu Âu và các nước có biển, có nền công nghiệp hải sản lâu đời.
 
Đến Sydney, thành phố thủ phủ của bang New South Wales nước Úc có rất nhiều điểm thu hút du khách. Nhà hát "Con sò", cầu Cảng Sydney đã trở thành biểu tượng nước Úc, rồi vườn thú Taronga, khu trưng bày hải sản Sealife Sydney Aquarium, khu bảo vệ thiên nhiên Blue Mountain trên núi cao với đường gòng và cáp treo tạo cảm giác mạnh...
 
Khi các bạn trẻ mãi mê shopping tìm hiểu các khu thương mại lớn, thì tờ quảng cáo tại quầy lễ tân khách sạn Sprit làm tôi hết sức thích thú, Sydney fish market - chợ cá nổi tiếng thế giới ở ngay cạnh khách sạn chúng tôi đang ở.
 
Chợ cá
Chợ cá trước giờ mở cửa.

 

Chợ cá Sydney chỉ xếp sau chợ cá Tsukiji Tokyo! Nếu chợ cá Tokyo có từ thế kỷ 16 thì chợ cá Sydney mới được thành lập từ năm 1945! Nhưng tiếng vang của Chợ cá Sydney đã vượt qua nhiều chợ cá đẳng cấp ở châu Âu và các nước có biển, có nền công nghiệp hải sản lâu đời. Vì vậy, tôi quyết định dành thời gian shopping "thời trang" ở khu Toà nhà nữ hoàng Victoria và the Strand … để đi chợ cá Sydney.

 

Ý tưởng của tôi được ông bà Hải Cương người Hải Phòng tán đồng và một đôi vợ chồng trẻ người Hà Nội hưởng ứng. Đang định nhờ Khách sạn đặt cho chuyến taxi, nhưng gõ Google Map tìm đường đến Sydney fish market thì chưa đến 2km, thế là chúng tôi quyết định đi bộ.

 

Nếu như chợ cá Tokyo mở cửa từ 11h đêm đến sáng hôm sau thì chợ cá Sydney mở từ 5h30 sáng. Ở ta chuyện đi làm, đi học từ 5 - 6h sáng là chuyện bình thường, nhưng ở Úc và các nước phương Tây thì chuyện dậy 5h để đi chơi chợ là ít thấy.
 
Chợ cá

 

Bình thường các tour tham quan chợ cá phải mua vé người lớn 20 đô la Úc tương đương khoảng 440.000 đồng, còn trẻ em 10 đô la Úc. Khu chợ cá nằm bên bờ vịnh BlackWattle, gần cầu Pyrmont, phía tây Trung tâm Sydney. Khu chợ có chỗ dành cho hàng trăm ô tô đỗ, trên bến dưới thuyền tấp nập.

 

Rất tiếc hôm tôi đến là sáng chủ nhật, không có phiên đấu giá, nhưng qua một nhân viên trong khu chợ thì mọi ngày phiên đấu giá bắt đầu từ 5h30 có khoảng hơn 100 mặt hàng trong phiên đấu giá, mỗi giờ có khoảng 1.000 thùng (khoảng 20 tấn) được bán qua đấu giá. Cá từ đây sẽ được đến với các nhà hàng, các xưởng chế biến trong Sydney, trong nước Úc và nhiều nơi trên thế giới.
 
Chợ cá

 

Hôm trước khi đến chợ cá, chúng tôi đã được đi qua một đường hầm dài 150m ở khu Darling Habour để xem hàng trăm loại hải sản quý hiếm gần như sống trong môi trường tự nhiên. Hôm nay, từ bào ngư, cua hoàng đế, tôm hùm chúa...cho đến cá mòi, cá trích...được bày bán với giá cả khá cụ thể theo kg hoặc theo con.

 

Có thể nói từ 1994 khi cổ phần hoá, tư nhân hoá, thì chợ cá Sydney là một tập hợp các siêu thị cá với các thương hiệu nổi tiếng như  De costi, Nicholas, Musameci., Claudio......cùng một sản phẩm nhưng nếu xuất xứ ở những vùng khác nhau thì giá cũng khác nhau.
 
Chợ cá

 

Qua những gian hàng bày bán tôm hùm, tôi bỗng nhớ cách đây đã khá lâu ăn một con tôm hùm chưa được nửa kg ở bãi biển Nhật Lệ cũng đã 500.000 - 800.000 đồng, nhưng khi sang London năm ngoái, ba người chúng tôi ăn một đĩa lớn tôm hùm cũng chỉ 40 bảng tính ra cũng chỉ hơn một triệu đồng. Còn ở chợ Sydney, tuỳ theo tôm to nhỏ mà giá khoảng từ 40 -70 đô la Úc tính ra cũng khoảng từ 800.000 đến 1,8 triệu đồng/kg.
 
Chợ cá
 
Một mặt hàng nữa mà trong giới sành ăn khi nghe chúng tôi sang Úc họ nhắc đến đó là Cua hoàng đế, hay huỳnh đế. Cũng cua hoàng đế mà loại nhỏ ở nhà hàng De Costi cũng chỉ 40 đôla Úc nhưng sang Nicholas thì loại lớn có giá đến 96 đô la Úc một kg. Đi một vong quanh chợ, qua những nhà hàng khác nhau, tôi nhận ra mặt hàng thấp nhất là cá nục ở Claudio có giá là 6 đô la Úc, nói chính xác là 5,99 đô la Úc, tương đương  hơn 120.000 đồng/kg còn cá cơm hơn 200.000 đồng/kg.
 
Điều hấp dẫn du khách ở đây là cùng với những mặt hàng tươi sống thì nhiều món ăn được nấu chín cũng được bày bán. Khách mua được làm nóng ăn có thể tại chỗ hoặc mang về nhà. Độ hấp dẫn và tươi ngon của các món ăn khiến chúng tôi quyết định thử luôn món ăn tại chợ.
 
Chợ cá

 

Nói là chợ cá, nhưng có cả khu vực rộng lớn dành cho hoa quả và hàng tươi - rau củ. Hàng "lagim" ở những chợ ta buôn bán nhỏ lẻ bày trên sọt, trên rổ mà sao chẳng được tươi non như buôn bán công nghiệp ở đây! Cách bày biện cũng thật bắt mắt. Các chủ hàng ra giá đều nhằm kích thích người mua nhiều, kiểu một túi ngô 3 đô, nhưng hai túi 5 đô, ba túi 7 đô, hoặc mua 6 tặng 1....

 

Nước Úc trong những năm gần đây cộng đồng các dân tộc Á đông góp mặt rất đông, nên nhìn quầy rau quả cũng thấy sự hiện hữu của những cộng động này. Kim chi, sushi, cari, ca la thầu...có cả. Tiếc rằng hôm đó vội tôi chưa đi lùng xem có không những loại rau Việt Nam hay không, nhưng thật lý thú khi ngồi giữa xứ sở Kangaroo, tôi lại được ăn lẩu cá hồi với rổ rau ngổ tươi và bún dọc mùng tại nhà một cô cháu định cư tại đây.

 

Từ các gian hàng, chúng tôi sang khu dịch vụ và các trường nghề, tại đây có những trường dạy nấu ăn và nhiều đầu bếp nổi tiếng ở Úc, cũng như ở nhiều nước từng được học tập tại đây, cái tên trường học này cũng khá ấn tượng  SSS  Sydney Seafood School.. Trường thành lập từ năm 1989 hàng năm thu hút gần 13.000 học viên. Ở đây không chỉ đào tạo nghề đầu bếp mà còn tổ chức nhiều buổi đào tạo, huấn luyện, trao đổi, hội thảo chuyên đề về thương mại, chế biến, quản lý hải sản và bảo vệ môi trường .....
 
Những thao tác sơ chế hải sản tại chỗ khá hấp dẫn du khách.
Những thao tác sơ chế hải sản tại chỗ khá hấp dẫn du khách.

 

Trong chợ có trường và trong trường có "chợ" đó là những sản phẩm, mặt hàng từ kết quả nghiên cứu, học tập được giới thiệu cùng khách hàng. Ông bạn Hải phòng cùng đi thăm chợ với tôi vốn là thầy giáo dạy Anh văn "phá giới" sang làm cán bộ Công ty Vosco một thời nổi tiếng về nghề biển, ông đã đi nhiều chợ cá kể cả chợ cá Tokyo nhưng vẫn trầm trồ về cách tổ chức của chợ cá Sydney.

 

Tôi cũng từng sáng sơm tinh mơ đi chợ cá Hạ Long, Đồng Hới, Đà Nẵng ...cái sự nhỏ nhoi, nhớp nháp, tanh nồng của các chợ cá quê nhà làm tôi ước ao giá mà rồi đây Việt Nam mình cũng có một chợ cá bề thế tạo được sức hút với khách du lịch như thế này.

Nhìn con số 2 triệu du khách hàng năm đến với chợ cá Sydney mà thèm!

 

Hôm nay, đến đâu trong những tỉnh ven biển chúng ta cũng thấy thuyền bè san sát, hàng chục vạn ngư dân đánh cá trên biển cần có một điểm tập kết! Sao không? Khi tôi đi cáp treo trên đỉnh Blue mountain nhìn về phía cảng Darling Habour thì tôi mường tượng ra có cái gì đó hao hao giữa Đà Nẵng và Sydney. Có lẽ nếu được tổ chức thì Chợ cá Đà Nẵng sẽ là nơi khả dĩ .

 

                                  Nguyễn Lương Phán