Tình hình đường sắt Cát Linh - Hà Đông và tiến độ 7 dự án vốn vay ODA

(Dân trí) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thực hiện đầu tư 8 dự án giao thông vốn ODA, trong 4 dự án đang thi công có đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, trong số 8 dự án giao thông sử dụng vốn vay ODA thì 3 dự án đang hoàn hoàn chỉnh các thủ tục để triển khai thi công từ quý 1 - quý 3/2021, gồm: Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (QL19) và dự án xây dựng tuyến nối QL91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên; 4 dự án đang triển khai thi công; 1 dự án đã hoàn thành (tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi).

Đối với 4 dự án đang triển khai thi công, tiến độ triển khai dự án cụ thể như sau:

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Dự án bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.

Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Tình hình đường sắt Cát Linh - Hà Đông và tiến độ 7 dự án vốn vay ODA - 1
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được bàn giao từng phần cho phía TP.Hà Nội từ tháng 2/2021 và hoàn thành xong trước 31/3/2021 (ảnh: Tiến Tuấn)

Theo văn bản chấp thuận của Thủ tướng và quyết định điều chỉnh tiến độ của Bộ GTVT ban hành tháng 12/2020, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được điều chỉnh tiến độ thực hiện đến 31/3/2021.

Cục QLXD&CLCTGT cho biết, dự án đã vận hành thử toàn hệ thống xong ngày 31/12/2020, dự kiến bàn giao từng phần cho phía TP.Hà Nội từ tháng 2/2021 và hoàn thành bàn giao trước 31/3/2021.

Dự án phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc bộ (WB6) - hạng mục kênh nối Đáy - Ninh Cơ (Ban QLDA Đường thủy làm đại diện chủ đầu tư) với tổng mức đầu tư 107,2 triệu USD được khởi công tháng 11/2020.

Dự án có 4 gói thầu xây lắp được tổ chức đấu thầu quốc tế, đến nay đã khởi công 1 gói thầu; còn lại 3 gói thầu đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ngày 5/2/2021, dự kiến khởi công trong tháng 3/2021. Công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2022.

Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long: Ban Quản lý Dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng, được khởi công tháng 4/2018.

Dự án đã thông xe cầu chính, đang triển khai thi công các cầu nhánh bổ sung, sản lượng đạt khoảng 64/209 tỷ đồng (đạt 30,6%), dự kiến hoàn thành tháng 5/2021, đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành: Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư là 31.320 tỷ đồng, được khởi công tháng 7/2014.

Từ đầu năm 2020 các gói thầu tạm dừng thi công, đến nay một số gói thầu đã bắt đầu thi công trở lại (gói A5, A6, A7), sản lượng dự án ước đạt 78,60%. Tuy nhiên, dự án vẫn gặp nhiều vướng mắc khác chưa được giải quyết do chưa bố trí vốn đối ứng, chưa được giao vốn nước ngoài, chưa được phê duyệt phương án tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư, phương án tài chính của VEC.

Cục QLXD&CLCTGT thông tin Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vướng mắc nêu trên. Dự kiến, thời gian hoàn thành công trình vào tháng 12/2023.

Theo Cục QLXD&CLCTGT, trong năm 2021, dự kiến Bộ GTVT khởi công 19 dự án, hoàn thành 24 dự án. Trong đó, riêng quý I/2021 dự kiến khởi công 5 dự án và hoàn thành 2 dự án.

 Về tiến độ triển khai các dự án quan trọng cấp bách, Cục QLXD&CLCTGT cho biết hiện đang triển khai xây dựng 14 dự án, bao gồm 10 dự án đường bộ, 4 dự án đường sắt - đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 556 ngày 31/7/2018.