1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tin vui cho người gửi tiền: Rút tiết kiệm trước hạn vẫn được lãi suất cao

Thảo Thu

(Dân trí) - Thay vì phải rút hết khoản gửi trong sổ tiết kiệm và hưởng lãi suất không kỳ hạn 0,1-0,2%/năm, khách gửi ngân hàng có thể rút một phần, phần còn lại vẫn được giữ nguyên lãi suất như ban đầu.

Lâu nay, khách gửi tiết kiệm tại ngân hàng, nếu rút tiền trước hạn thì phải rút hết và hưởng lãi suất không kỳ hạn. Hiện tại, mức lãi suất không kỳ hạn tại các ngân hàng thường chỉ là 0,2%/năm. 

Tuy nhiên, tình thế hiện nay đã thay đổi khi một số ngân hàng đã cho rút vốn một phần trước hạn. Lãi suất áp dụng với phần tiền đã rút là lãi suất không kỳ hạn, phần còn lại vẫn được bảo toàn lãi suất, chẳng hạn như SCB, VietABank. Quy định này áp dụng từ 1/8.

Khách hàng có tiền gửi tại những ngân hàng này sẽ được rút một phần tiền trước hạn với lãi suất không kỳ hạn là 0,2%, phần số dư còn lại nếu khách tiếp tục gửi tại ngân hàng vẫn được hưởng mức lãi suất đã cam kết tại thời điểm ban đầu.

Ví dụ, một khách hàng có khoản tiết kiệm tại ngân hàng trị giá 300 triệu đồng, kỳ hạn 12 tháng với lãi suất 7%/năm, đến hạn ngày 1/8/2023. Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn là 0,1%/năm.

Trong trường hợp khách hàng này có việc gấp và rút sổ trước hạn 100 triệu đồng vào 1/4/2023, thì theo quy định mới tại Thông tư 04/2022 mới được Ngân hàng Nhà nước ban hành, khoản tiền 100 triệu này sẽ được tính lãi không kỳ hạn 0,1%/năm. Khoản tiền gửi còn lại là 200 triệu đồng vẫn sẽ được tính lãi suất 7%/năm cho đến ngày đáo hạn là 1/8/2023.

Còn với người gửi tiền rút trước hạn toàn bộ sổ tiết kiệm thì phải chịu mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp (hay gần như mất trắng tiền lãi) như trước đây.

Tin vui cho người gửi tiền: Rút tiết kiệm trước hạn vẫn được lãi suất cao - 1

Một số ngân hàng cho phép khách hàng được rút một phần tiền trước hạn với lãi suất không kỳ hạn (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trên thực tế, nhiều trường hợp khách hàng, vì có việc gấp đành phải rút trước hạn và chỉ được hưởng phần tiền lãi ít ỏi từ lãi suất không kỳ hạn khoảng 0,1% hoặc 0,2%. Cũng không ít trường hợp người gửi tiền vì sợ có việc gấp nên phải tính toán kỹ và chọn phương án tách sổ tiết kiệm ra thành 2 sổ, một sổ kỳ hạn dài, một sổ kỳ hạn ngắn. Điều này được cho là lãng phí phôi sổ của ngân hàng và khách hàng cũng khó quản lý các tài khoản, sổ tiết kiệm của mình.

Thậm chí, nhiều khách hàng vì không muốn mất trắng tiền lãi khi phải rút trước hạn nên dù cần tiền cũng sẽ không rút mà cầm cố sổ để vay lại ngân hàng, hoặc vay mượn người khác.

"Cởi trói" cho cả ngân hàng và khách hàng

Các ngân hàng rục rịch triển khai tính năng rút vốn một phần trước hạn do đây là nội dung mới tại Thông tư 04 mới được Ngân hàng Nhà nước ban hành, có hiệu lực từ 1/8 năm nay. Trước đó, nội dung này được các ngân hàng kiến nghị sửa đổi, nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.

Ngân hàng Nhà nước quy định nếu khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi có kỳ hạn thì chỉ phần rút trước hạn này chịu lãi suất không kỳ hạn, phần tiền gửi còn lại được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất đang áp dụng. Trong khi đó, theo quy định từ trước khi có Thông tư 04, khách hàng không được rút một phần tiền gửi mà phải rút toàn bộ sổ tiết kiệm và chịu lãi suất tối đa bằng lãi không kỳ hạn.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Phân tích Thị trường, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, đánh giá so với quy định cũ, cách tính lãi khi rút trước hạn một phần khoản tiền gửi giúp quyền lợi của khách hàng được bảo đảm tốt hơn. Khách hàng sẽ tối đa hóa lợi nhuận có được từ nguồn vốn nhàn rỗi và bớt thiệt hơn trong trường hợp cần vốn đột xuất phải rút tiền gửi trước hạn.

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhận định, Thông tư 04 không chỉ "cởi trói" cho những băn khoăn, đảm bảo lợi ích của khách hàng trong việc gửi tiền, mà các ngân hàng cũng được hưởng lợi.

Theo đó, các nhà băng sẽ hút được nguồn tiền gửi trung, dài hạn, bởi Thông tư mới đi vào thực tiễn sẽ khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm nhiều, dài hạn hơn.

Hiện các ngân hàng cung cấp cho khách hàng nhiều gói sản phẩm gửi tiết kiệm với lãi suất kỳ hạn đa dạng. Mức lãi suất tiền gửi trên thị trường đang tương đối cao sau khi các ngân hàng bước vào "cuộc đua" tăng lãi suất kể từ tháng 5 vừa rồi.

Khảo sát lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 1-3 tháng cho thấy phạm vi lãi suất tiền gửi tại quầy đang dao động từ 2,9%/năm đến 4,1%/năm. Còn với tiền gửi online, mức lãi suất dao động từ 2,7%/năm đến 4,1%/năm. VIB, ACB, SCB dẫn đầu lãi suất gửi tại quầy còn NCB dẫn đầu lãi suất gửi online.

Với kỳ hạn 6-9 tháng, lãi suất tiền gửi tại quầy dao động từ 4%/năm đến 7,2%/năm còn online từ 4% đến 7,3%/năm. Ở kỳ hạn này, CBBank giữ "ngôi vương" lãi suất gửi tại quầy lẫn online.

Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiền gửi tại quầy trong khoảng từ 5,6%/năm đến 7,45%/năm. Còn với tiền gửi online, mức lãi suất từ 5,3%/năm đến 7,5%/năm. "Quán quân" về lãi suất tiền gửi tại quầy và online cũng là CBBank.

Có lo xáo trộn vốn ngân hàng, ảnh hưởng thanh khoản?

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là liệu áp dụng việc cho phép khách hàng rút một phần tiền gửi nhưng bảo toàn mức lãi suất trước đó của Thông tư 04 có thực sự đem lại nguồn vốn ổn định cho ngân hàng.

Tin vui cho người gửi tiền: Rút tiết kiệm trước hạn vẫn được lãi suất cao - 2

Việc cho phép khách hàng rút một phần tiền gửi trước hạn có làm xáo trộn vốn ngân hàng, ảnh hưởng đến thanh khoản? (Ảnh: Tiến Tuấn).

Cụ thể, việc huy động tiền gửi dài hạn từ khách hàng tạo nguồn vốn trung, dài hạn cho ngân hàng, nhưng khách hàng được dễ dàng hơn trong lựa chọn rút tiền lại vô hình trung biến tiền gửi thành vốn ngắn hạn. Phần vốn về danh nghĩa là dài hạn nhưng thực chất chỉ có tính ngắn hạn.

Điều này có nguy cơ gây ảnh hưởng tới thanh khoản thị trường, do bởi khi huy động được vốn kỳ hạn dài, ngân hàng có thể cũng sẽ "mạnh tay" trong cho vay các khoản trung, dài hạn khác, dựa theo cân đối tỷ lệ nguồn vốn đầu vào - đầu ra. Việc nguồn vốn dài hạn bị thiếu hụt sẽ nảy sinh nhiều vấn đề nếu xáo trộn, không cân đối được dòng tiền.

Tuy nhiên, ông Bùi Nguyên Khoa nhận định, thực tế bản thân khách hàng không ai muốn phải rút vốn trước hạn. Đây là hành động không xảy ra thường xuyên mà chỉ là tình huống đột xuất. Việc này cũng chỉ có lợi cho khách hàng hơn trước đây bởi trường hợp rút toàn bộ, không chỉ rút một phần thì vẫn phải chịu mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp, không tối ưu hóa toàn bộ lãi suất tiền gửi.

"Ảnh hưởng đến sự ổn định của nguồn vốn huy động sẽ không đáng kể", ông Khoa nói.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng nhận định, quy định mới đem lại nhiều lợi cho cả hai phía ngân hàng - khách hàng. Về vấn đề dòng vốn, ông cho rằng không đáng ngại bởi khi Thông tư mới đi vào thực tế, mỗi ngân hàng sẽ phải đặt ra quy tắc quản trị dòng tiền tốt hơn.